Báo cáo năm 2018 cho thấy các bậc cha mẹ chia sẻ khoảng 71 bức ảnh và 29 video về con cái mỗi năm trên mạng xã hội. Trung bình, khi trẻ 13 tuổi, cha mẹ đã đăng 1.300 bức ảnh và video về con lên Internet.
Từ tháng 6/2022, từ "sharenting" (kết hợp giữa "share" và "parent") đã được thêm vào Từ điển tiếng Anh Oxford, có nghĩa là khi cha mẹ chia sẻ tin tức, hình ảnh và video về con cái trên mạng xã hội.
Các bậc phụ huynh tham gia "sharenting" vì nhiều lý do: tự hào về con mình và muốn kể cho gia đình, bạn bè về những cột mốc cũng như cuộc sống hàng ngày của con; tìm kiếm sự hỗ trợ và đưa ra lời khuyên cho các phụ huynh khác; lưu giữ kỷ niệm. Nó cũng có thể là một nguồn thu nhập. Những người có ảnh hưởng kiếm được số tiền đáng kể từ quan hệ đối tác thương hiệu khi chia sẻ cuộc sống gia đình lên không gian trực tuyến.
Tuy nhiên, những mặt trái của "sharenting" cũng thường xuyên được nhắc đến như quyền riêng tư, nguy cơ đánh cắp danh tính, tội phạm nhằm vào trẻ em... Giờ đây, quyết định chia sẻ cuộc sống của con cái ở đâu và đến mức độ nào có thể trở thành vấn đề nan giải với nhiều bậc cha mẹ.
Những mối nguy
Đầu tiên, khi hình ảnh con cái của bạn được công khai lên mạng xã hội, bạn đã mất quyền kiểm soát nó. Ngay cả trẻ em cũng có thể trở thành mục tiêu của hành vi trộm cắp danh tính. Nếu nhận thấy các hóa đơn hoặc thẻ tín dụng được gửi đến nhà dưới tên của con bạn, rất có thể trẻ đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo danh tính. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hơn 1,25 triệu trẻ em trở thành nạn nhân của hành vi trộm cắp danh tính và lừa đảo trong một năm.
Việc bị công khai khuôn mặt, sở thích và các địa điểm thường lui tới lên mạng xã hội có thể khiến trẻ trở thành mục tiêu của tội phạm. Tại Nhật Bản, cảnh sát báo cáo có 86 trẻ em bị bắt cóc thông qua thông tin trên mạng xã hội vào năm 2021, tăng so với 11 vụ vào năm trước đó.
Còn ở Mỹ, FBI đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về các vụ bắt cóc được thực hiện bằng cách sử dụng mạng xã hội. Mối quan tâm của FBI chủ yếu xoay quanh việc tương tác trên mạng xã hội của trẻ em, nhưng các bậc cha mẹ cũng được khuyến khích giữ kín cuộc sống của con nhỏ.
|
|
Trẻ em có thể trở thành mục tiêu của tội phạm vì cha mẹ chia sẻ quá nhiều thông tin riêng tư của con lên mạng. Ảnh:Washington Post. |
Vào năm 2015, blogger Lindsey Paris báo cáo vụ việc con gái cô trở thành nạn nhân của vụ bắt cóc kỹ thuật số. Bắt cóc kỹ thuật số là khi ai đó lấy ảnh một đứa trẻ từ mạng xã hội và đặt cho chúng tên và danh tính mới. Thông thường, người này sẽ nhận đứa trẻ là con của mình hoặc tạo ra một gia đình hoàn toàn giả mạo. Trong trường hợp của Paris, một cô gái 16 tuổi đã lấy các bức ảnh của con gái cô và giả vờ như đó là hình ảnh của chính mình.
Một số vụ bắt cóc kỹ thuật số còn nguy hại hơn khi đối tượng đánh cắp hình ảnh trẻ em để phục vụ mục đích phạm tội, hoặc phát tán chúng trên các trang web độc hại.
Trên thực tế, một số quốc gia coi việc đăng ảnh mà không có sự đồng ý là hành vi phạm pháp và phải chịu hậu quả pháp lý. Ở Pháp, nếu bạn đăng ảnh con mình và sau đó chúng phản đối, bạn có thể bị phạt hơn 48.000 USD hoặc thậm chí phải ngồi tù. Italy cũng có luật tương tự.
Điều cần lưu ý
Có nhiều cách để khiến việc chia sẻ trên mạng xã hội an toàn hơn. Bạn có thể tắt tính năng gắn thẻ vị trí trên ứng dụng máy ảnh của điện thoại thông minh để dữ liệu vị trí không đính kèm vào ảnh. Một lựa chọn khác là xem lại cài đặt quyền riêng tư và giới hạn những người có thể xem bài đăng.
Ví dụ: trên Instagram, theo mặc định, tài khoản người lớn được đặt ở chế độ công khai. Hãy đặt tài khoản của bạn ở chế độ riêng tư nếu bạn muốn thông tin của mình chỉ hiển thị với những người theo dõi.
Ngoài ra, hãy cân nhắc sử dụng một trang mạng xã hội riêng tư, được thiết kế dành cho những gia đình không muốn chia sẻ thông tin ngoài một nhóm người được chọn.
Những hình ảnh, thông tin về trẻ em ngày càng được chia sẻ không chỉ bởi phụ huynh, mà còn bởi các thành viên trong gia đình, bạn bè và nhà trường. Những người mới làm cha mẹ nên quyết định mức độ chia sẻ và chủ động trò chuyện với bạn bè, gia đình về điều này trước khi con chào đời. Điều này có thể tránh xung đột ở giai đoạn sau.
Các bậc phụ huynh cũng nên cân nhắc tác động của các bài đăng trong tương lai. Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi không thể nói chúng nghĩ gì về bài đăng của bạn, vì vậy, với tư cách là người quản lý quyền riêng tư của trẻ, bạn cần cân nhắc xem bài đăng của mình có thể ảnh hưởng đến con như thế nào.
|
|
Các bài đăng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của trẻ. Ảnh:Time. |
Khi chia sẻ thông tin của con, bạn đang tạo ra danh tính kỹ thuật số cho trẻ, thứ sẽ theo con bạn suốt cuộc đời. Hãy cân nhắc xem liệu con có muốn bạn bè hoặc nhà tuyển dụng tương lai xem thông tin mà bạn đã chia sẻ về chúng khi còn nhỏ hay không. Khi thanh thiếu niên bắt đầu phát triển bản sắc riêng, họ có thể đặc biệt quan tâm đến quyền riêng tư của mình và cách họ được thể hiện trên mạng có thể ảnh hưởng đến tình bạn và các mối quan hệ về sau.
Cha mẹ nên tránh chia sẻ thông tin quá mức, quá riêng tư hoặc có thể khiến con khó chịu, xấu hổ trong tương lai, chẳng hạn như việc tập ngồi bô, những cơn giận dữ, hình ảnh khỏa thân...
Một số nghiên cứu đã được thực hiện để tìm hiểu xem giới trẻ nghĩ gì về việc cha mẹ chia sẻ ảnh con cái. Một số người cho rằng điều đó có thể mang tính tích cực nếu chúng được miêu tả tốt và nội dung hỗ trợ hình ảnh hoặc danh tính tích cực trên mạng. Một số người cho rằng bài đăng của cha mẹ khiến trẻ cảm thấy hạnh phúc và tự hào, được kết nối với đại gia đình.
Tuy nhiên, một số người cho rằng việc chia sẻ có thể gây bối rối và lo lắng. Nhiều người muốn cha mẹ xin phép trước khi đăng bài.
Khi cảm thấy con mình đã đủ lớn để bày tỏ quan điểm, hãy nói chuyện với trẻ. Cha mẹ nên tìm hiểu những gì con thực sự muốn và không muốn đăng lên mạng để tránh sự khó chịu, thất vọng, hiểu lầm và xung đột trong tương lai.
Theo lifestyle.znews