Trong phòng chờ của một bệnh viện ở Bắc Kinh, hàng chục phụ nữ mang thai mặc đồ bảo hộ tự chế. Họ đội mũ chụp đầu và trùm áo mưa ra ngoài áo khoác. Tất cả những người này, lo lắng vì mang thai giữa mùa dịch, đang chờ hàng tiếng đồng hồ để gặp bác sĩ.

"Tôi không cảm thấy thoải mái",  Vigor Liu, mang thai 5 tháng đứa con đầu lòng cho biết. Đợi ba tiếng đồng hồ, Liu cuối cùng cũng có 10 phút gặp bác sĩ.

Lời khuyên của ông dành cho cô: Ngừng đọc tin tức.

Vigor Liu trong căn hộ ở Bắc Kinh. Mang thai 20 tuần, cô lo lắng về việc đi lại giữa mùa dịch. Ảnh: Giulia Marchi/The New York Times.

Vigor Liu trong căn hộ ở Bắc Kinh. Mang thai 20 tuần, cô lo lắng về việc đi lại giữa mùa dịch. Ảnh:Giulia Marchi/The New York Times.

Dịch Covid-19 đã khiến hơn 80.000 người bệnh và hơn 2.600 người tử vong. Tại Trung Quốc, các bác sĩ và y tá khoa sản được điều động chống dịch nCoV, hàng loạt cơ sở phụ sản phải tạm thời đóng cửa và phụ nữ mang thai cảm thấy như bị bỏ rơi. Những người sinh con cũng phải chịu cảm giác cô đơn, sợ hãi do thiếu hỗ trợ. Phụ huynh không thể tiêm vắcxin cho con, các đợt kiểm tra định kỳ bị hoãn lại. 

Tại tâm dịch Vũ Hán, phụ nữ mang thai còn không thể tìm được nơi để lâm bồn. Jane Huang 40 tuổi đã mang thai đứa con được 17 tuần nhưng bệnh viện nơi cô đăng ký khám sức khỏe không còn phục vụ sản phụ. Huang lo rằng nếu không sớm tìm được bệnh viện, cả cô lẫn đứa con trong bụng sẽ không sống sót vì cô vừa bị cao huyết áp vừa bị yếu thận.

"Mỗi ngày, tôi đều lo lắng về việc con sẽ chết trong bụng mình", Huang nói qua điện thoại. "Tôi lo lắng về gánh nặng tài chính nếu mình phải lọc thận hay thậm chí ghép thận. Tôi cũng băn khoăn về việc liệu có nên sinh con nếu con bị dị tật". 

Jane Huang tự đo huyết áp trong căn nhà ở Vũ Hán. Ảnh: New York Times.

Jane Huang tự đo huyết áp trong căn nhà ở Vũ Hán. Ảnh:New York Times.

Khoảng 1.774 bệnh viện Trung Quốc được chỉ định dành riêng cho sản phụ bị nghi nhiễm hoặc đã dương tính với virus corona. Đó cũng là những nơi phụ nữ mang thai bình thường phải tránh xa. 

Một số người cân nhắc bỏ hàng nghìn USD để sinh con trong bệnh viện tư. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện như vậy. Ủy ban Y tế Trung Quốc đã yêu cầu 1.774 bệnh viện trên "sắp xếp một cách hợp lý càng sớm càng tốt" cho những phụ nữ khỏe mạnh đã đăng ký sinh.

Tuy nhiên, các sản phụ vẫn khá bối rối vì không biết liệu họ có phải sinh ở bệnh viện dành cho người nhiễm Covid-19 hay không? 

Bên cạnh đó, thông tin thiếu minh bạch càng gây sợ hãi. Đầu tháng 2, truyền thông Trung Quốc đưa tin một trẻ sơ sinh ở Vũ Hán dương tính với virus corona. Mẹ bé cũng nhiễm bệnh nhưng chưa rõ cô lây cho con trong quá trình mang thai hay đứa trẻ mắc virus ngay lúc chào đời.

Những ngày này, thông tin về virus corona trở nên thưa thớt. Báo chí Trung Quốc ít đăng bài hơn vì các nhân viên y tế không được nói chuyện với truyền thông. Trước tình hình đó, phụ nữ mang thai tìm đến các nhóm chat hoặc diễn đàn trên Internet. Người hỏi lời khuyên vì lỡ mất buổi hẹn khám, người hỏi virus có bay qua đường cửa sổ không.

Các nền tảng mạng xã hội trở thành chỗ dựa cho các sản phụ như Liu và Huang. Cũng thông qua những nền tảng này, một số phụ nữ mới sinh chia sẻ kinh nghiệm cho những ai đang chờ ngày lâm bồn.

Vigor Liu chuẩn bị sẵn quần áo, khẩu trang và kính bảo hộ cho đứa con sắp chào đời. Ảnh: Giulia Marchi/The New York Times.

Vigor Liu chuẩn bị sẵn quần áo, khẩu trang và kính bảo hộ cho đứa con sắp chào đời. Ảnh:Giulia Marchi/The New York Times.

Zhang Chong sinh đứa con thứ hai vào ngày 1/2 tại một bệnh viện công ở Bắc Kinh. Cơ sở y tế này rất thiếu người vì một bộ phận nhân viên vẫn mắc kẹt ở quê nhà.

Lịch mổ của Zhang bị chậm một ngày. Không thành viên gia đình nào được phép vào phòng đẻ trong và sau ca mổ. Vượt cạn xong, Zhang vào khu phòng bệnh với 40 người khác. Chỉ có hai y tá cùng hai trợ lý chăm sóc 41 cặp mẹ con. 

Gia đình Zhang chỉ được phép thăm cô một tiếng mỗi ngày chứ không được cử một người vào chăm sóc như trước. 

Đêm đầu tiên sau khi sinh, Zhang gần như không thể cử động cơ thể. Con khóc đòi bú song không có ai ở cạnh đỡ đần Zhang. Suốt bốn hôm, Zhang hầu như chỉ có một mình. "Một ngày có đến 100 lần tôi muốn khóc", cô nói. 

Chồng Zhang, vì muốn ở bên giúp vợ, cố mua chuộc một nhân viên bảo vệ nhưng bất thành.

Theo vnexpress