Dù đoán được mục đích chuyến đi của con gái, bà Nguyễn Thị Thục - nguyên y tá trưởng Viện lâm sàng các bệnh nhiệt đới (nay là Bệnh viện Nhiệt đới trung ương) vẫn hỏi với theo: "Mới đầu năm có việc gì mà phải công tác hở con?".
"Có người nhiễm nCoV rồi. Con phải ở lại bệnh viện", bác sĩ Ninh (trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh) trả lời mẹ và rảo bước khuất sau cánh cổng ngôi nhà trong khu tập thể Phương Mai, chập tối 30/1. Ký ức về những ngày chiến đấu chống dịch SARS của bà năm 2003 lại trỗi dậy.
Là đồng nghiệp của con, bà Thục đã quen với việc nói với hai đứa cháu là "mẹ đi công tác" để chúng không đòi. Nhưng hôm nay bà lo. Một dịch bệnh mới bùng phát ở Trung Quốc từ trước Tết Canh Tý - với khả năng lây lan chóng mặt từ người sang người - đã xuất hiện ở Việt Nam.
|
Y tá trưởng Nguyễn Thị Thục, người tham gia chống dịch SARSnăm 2003. Ảnh:Phan Dương. |
Cùng thời điểm này 17 năm trước, dịch SARS cũng bắt đầu từ Trung Quốc, lây từ người sang người, gây ra những cái chết nhanh chóng. Từ một bệnh nhân gốc Hong Kong nhập viện Việt Pháp ngày 26/2/2003 chỉ ho, sốt như cảm cúm thông thường, nhưng tới đêm, ông này ho liên tục, trong đờm có máu, sau đó hôn mê.
Hai ngày sau, những nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân này cũng xuất hiện triệu chứng ho, sốt, nhức mỏi người. Các bệnh cúm thông thường ít khi tác động tới phổi, nhưng với SARS, chỉ hôm trước còn lờ mờ hôm sau phổi đã trắng xoá.
63 người ở Việt Nam đã nhiễm SARS, trong đó 7 người chết. Họ đều là y, bác sĩ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân người Hong Kong. "Trong 34 năm công tác, tôi chưa bao giờ trải qua trận dịch nào khủng khiếp như SARS", bà Thục nhận định.
Khu vực xung quanh các bệnh viện Việt Pháp, Bạch Mai, Phương Mai, Viện lâm sàng các bệnh nhiệt đới thuộc phường Phương Mai (quận Đống Đa) là một "tử địa" thời đó. Quán xá đó đóng kín, không ai bán đồ ăn cho bệnh viện.
"Đám ma của một y tá ngay đầu ngõ không một ai đến viếng, kể cả bạn bè cùng ngành y", bà Thục nhớ lại trường hợp y tá Nguyễn Thị Lượng, người chăm sóc cho bệnh nhân người Hong Kong, rồi thiệt mạng vì SARS. Hai người vốn cùng làm cùng Bệnh viện Bạch Mai, sau người sang Việt Pháp, người sang Viện nhiệt đới, nhưng vẫn sống trong cùng khu. Ký ức đau buồn vẫn dai dẳng trong bà Thục nhiều năm, lòng thắt lại mỗi lúc nhớ về.
Những bệnh nhân sau đó được chuyển qua Viện nhiệt đới, nơi tuyến đầu điều trị bệnh truyền nhiễm. Y tá trưởng Nguyễn Thị Thục là một trong những người tiên phong chiến đấu với dịch.
Bà kể, trong số 34 bệnh nhân SARS, có khoảng chục người nặng, phải mở khí quản, thở máy. Nhân viên y tế thời đó không có có khẩu trang N95, không có quần áo bảo hộ chuyên dụng. Họ phải đứng kề bên cho bệnh nhân ăn, tắm rửa, gội đầu, thậm chí cả thay băng vệ sinh. Nhưng vất vả nhất là bóp bóng cho bệnh nhân thở vì máy thở không đủ và có nhiều người bệnh không đáp ứng với máy.
"Đánh nhau thì còn biết tiếng súng ở phía nào chứ vi khuẩn, virus chẳng biết ở đâu mà tránh. Nhưng không thể bỏ mặc bệnh nhân được. Họ không thở được, như cá mắc cạn vậy", nữ y tá hồi tưởng.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, trưởng khoa Cấp cứu Viện lâm sàng các bệnh nhiệt đới ra lệnh mở hết cửa cho thông thoáng, trái ngược hoàn toàn với bên Việt Pháp, bệnh nhân nằm phòng điều hoà kín mít. Đây được xem là yếu tố có ý nghĩa quyết định hạn chế virus lây lan, dù đi ngược lại với quan điểm của nhiều chuyên gia y tế thế giới bấy giờ. Y tá Thục còn cùng các đồng nghiệp đốt bồ kết, xông khắp các phòng, dù chẳng biết hiệu quả tới đâu, chỉ để an tâm hơn.
Theo bà, nhờ kinh nghiệm phòng lây chéo tốt và nhiều bác sĩ giỏi nên không chỉ tất cả bệnh nhân được cứu sống mà toàn thể cán bộ, nhân viên y tế của Viện không ai bị lây bệnh. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới được WHO công nhận là đã khống chế được dịch SARS vào ngày 28/4/2003.
|
Y tá Nguyễn Thị Thục (người đầu tiên bên phải)cùng các đồng nghiệp chụp hình lưu niệm với bệnh nhân SARSrất nặng, ông Nguyễn Hữu Hùng (ôm hoa hồng), bênh cạnh làvợ và em gái ông. Một người thân của ông Hùng là bác sĩ Bệnh viện Việt Pháp chết vì SARS. Ông Hùng cùng em gái, tài xế đều bị nhiễm dịch.Ảnh:Nhân vật cung cấp. |
Thời nhỏ, bác sĩ Trần Hải Ninh hay nói: "Con ghét nghề bác sĩ của mẹ". Giờ cậu con trai 7 tuổi của chị cũng nói y hệt thế. Đang đêm phải vào viện, đang trong kỳ nghỉ phải bỏ dở chạy về và khi con muốn được ôm hôn sau những ngày trực, người mẹ luôn lùi lại và ngăn cản.
Cô gái Trần Hải Ninh vốn thích ngoại thương, song vì được tuyển thẳng vào đại học nên đã chọn trường khó nhất: Đại học Y, học đa khoa. Năm 2005, Ninh là một trong 8 sinh viên y khoa tốt nghiệp bằng giỏi.
Ban đầu chị thích làm bác sĩ nội trú, chuyên khoa tim mạch. Song khi gặp một vị giáo sư đầu ngành xin lời khuyên, ông nói: "Trong nghề y, để cứu được một người bệnh, chuyên khoa nào cũng quan trọng, nhưng bác sĩ truyền nhiễm nếu làm tốt có thể cứu cả cộng đồng". Vì câu nói đó, cô gái trẻ bỏ qua nhiều các con đường rộng mở, để chọn con đường mang tên... lý tưởng.
"Bác sĩ truyền nhiễm vừa nguy hiểm, vừa nghèo. Nhưng con đã chọn, tôi chỉ biết động viên 'phải giỏi chuyên môn thì mới cứu được người bệnh, an toàn cho mình và an toàn cho người khác'", bà Thục chia sẻ.
Được truyền nhiệt huyết, đam mê qua các bài giảng của PGS Trịnh Thị Minh Liên, GS Nguyễn Văn Kính ở bộ môn Truyền nhiễm – Trường ĐH Y Hà Nội , học được nhạy cảm lâm sàng của BSCKII Nguyễn Hồng Hà và cả những lời khuyên, sự khắt khe trong kỹ năng phòng hộ từ mẹ, Trần Hải Ninh ngày càng say mê chuyên ngành truyền nhiễm.
|
Bác sĩ Trần Hải Ninh, trưởng khoa Nội Tổng hợp, đang chiến đấu với dịch Corona một tháng qua. Ảnh:Phan Dương. |
15 năm công tác, chị đã trải qua nhiều trận dịch như H5N1 năm 2005, H1N1 2009, dịch sởi và sốt xuất huyết các năm tiếp theo, nhiễm giun sát Bắc Ninh năm 2018, hay vi khuẩn ăn thịt người whitmore năm 2019...
Năm nay, dịch corona khiến bác sĩ Ninh lo lắng bởi đây là chủng virus hoàn toàn mới, từ đường lây nhiễm, nguồn gốc virus như thế nào, tới nay vẫn chưa rõ ràng. Bắt đầu từ buổi giao ban sáng mùng 6 Tết, y bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới đưa ra nhiều kịch bản ứng phó trước tình hình bệnh.
Khoa nội tổng hợp, nơi bác sĩ Ninh là trưởng khoa, có nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân cách ly, thường xuyên có khoảng 30 bệnh nhân cần theo dõi. "Với dịch corona, cho đến nay, chúng tôi chưa gặp khó khăn về công tác điều trị mà quan trọng là kế hoạch ứng phó", bác sĩ Ninh nói.
Vì chưa biết dịch diễn biến thế nào nên thời gian đầu khoa cắt cử mỗi ngày làm việc có một bác sĩ, hai y tá, nhằm hạn chế tối đa số lượng nhân viên y tế phải tiếp xúc với bệnh nhân, cũng như để tiết kiệm các trang bị phòng hộ. Rất may tại khoa Nội gần một tháng qua, với hàng trăm lượt bệnh nhân nghi nhiễm corona ra vào, nhưng chưa có một ai dương tính.
Bước đầu, 16 bệnh nhân corona tại Việt Nam đều âm tính được xem như một thắng lợi. Song dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... và như tất cả các đồng nghiệp mình, bác sĩ Ninh không rời "vị trí chiến đấu".
Một buổi trưa đang xem bệnh án, chị Ninh chợt nghe thấy tiếng cổ cầm. Tiếng đàn lúc như thấu vào tâm can, khi lại giục giã, một cảm giác trong trẻo, kiên cường lan toả trong lòng. Hoá ra một bệnh nhân trong khu cách ly, vốn là giảng viên thanh nhạc tại Vũ Hán đang chơi khúc Bội Lan, bản nhạc về loài hoa lan mọc trong rừng thẳm không ai hay biết nhưng vẫn toả ngát mùi hương - để cảm ơn các y bác sĩ đã chăm sóc, điều trị cho mình.
"Thật tuyệt với khi giữa tâm dịch, chúng tôi vẫn có giây phút an nhiên nghe tiếng cổ cầm", bác sĩ Ninh rạng rỡ.
Theo vnexpress