Các nhân viên được bảo hộ kỹ càng phun thuốc khử trùng dọc các ngõ hẻm của ngôi chợ Chatuchak ở thủ đô Bangkok, Thái Lan ngày 23-3 nhằm ngăn chặn virus corona chủng mới lây lan - Ảnh: AFP

Chỉ trong vài ngày từ tuần trước đến nay, các nước Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia đều chứng kiến số người nhiễm bệnh do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19) tăng đột biến.

Thêm "điểm nóng" Thái Lan

Ngày 23-3, Malaysia ghi nhận thêm 212 ca nhiễm mới, con số kỷ lục trong một ngày của quốc gia này. Trong khi đó Thái Lan trong hai ngày gần nhất đã tăng hơn 300 ca nhiễm.

Từ khi COVID-19 bắt đầu bùng phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, các nước đều lần lượt có biện pháp quyết liệt như đóng cửa trường học, hạn chế các chuyến bay hoặc hủy các sự kiện lớn. Tuy nhiên Thái Lan, một địa điểm du lịch nổi tiếng của khu vực, là một trong những nước có chính sách "mở" nhất trong vấn đề kiểm soát COVID-19.

Nhưng từ cuối tuần trước, chính quyền Thái Lan công bố quyết định đóng cửa các trung tâm mua sắm (trừ siêu thị) ở thủ đô Bangkok trong vòng 22 ngày, từ 22-3 tới 12-4, nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. 

Các sân thi đấu quyền anh và thẩm mỹ viện cũng nằm trong danh sách đóng cửa, trong khi một số hãng bay như Thai AirAsia và Thai Lion Air cũng tuyên bố tạm ngưng các chuyến bay quốc tế và trong nước từ 22-3 tới tầm 25 đến 30-4.

Diễn biến dịch tại Đông Nam Á tính đến 7h30 ngày 24-3 - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Trong một phát biểu trực tuyến ngày 23-3, GS.TS Prasit Watanapa, trưởng khoa y Bệnh viện Siriraj của Đại học Mahidol, còn cảnh báo Thái Lan nên áp dụng các biện pháp cách ly xã hội gắt gao, người dân nên ở lại và tránh các hoạt động tiếp xúc ngoài xã hội, nếu không muốn Thái Lan trở thành nước Ý với tình trạng bệnh nhân COVID-19 vượt quá khả năng và nguồn lực y tế của Thái Lan.

Lo ngại Malaysia, Singapore

Từ 22-3, Singapore đã tạm ngưng cho nhập cảnh và quá cảnh đối với du khách ngắn ngày, khi số ca nhiễm mới ở nước này trong tuần trước có tới 80% là người bên ngoài đến đảo quốc sư tử. Malaysia cũng đã tạm ngưng nhập cảnh đối với người nước ngoài, sau khi trở thành nơi có số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á.

Tối 23-3, Bộ Y tế Singapore thông báo đã phát hiện thêm 54 ca nhiễm virus corona mới tại nước này, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên 547 ca. Trong số 54 ca nhiễm mới, có tới 38 ca là người vừa nhập cảnh, chiếm gần 90% số ca nhiễm mới của ngày. Đây là mức tăng cao nhất từ trước tới nay tại Singapore, theo tờ Straits Times. Trước khi nhập cảnh Singapore, 38 người này đã từng tới các điểm nóng hiện nay ở Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á.

Malaysia cũng là trường hợp đặc biệt khiến giới phân tích lo ngại về làn sóng nhiễm mới cho khu vực. Từ ngày 27-2 tới 1-3, đã có 16.000 người tham gia sự kiện của người đạo Hồi ở Sri Petaling, vùng ngoại ô Kuala Lumpur. Trong 16.000 người ấy có 14.500 người Malaysia và 1.500 người nước ngoài tới từ Brunei, Indonesia, Singapore và vài nước khác.

Trước đó trong tháng 2, cộng đồng Hindu ở Malaysia cũng có sự kiện tập hợp mừng lễ hội Thaipusam.

Số ca nhiễm ở Malaysia tăng mạnh và đa số liên quan tới sự kiện tại Sri Petaling, trong khi nhiều nước khác - trong đó có trường hợp ở Việt Nam - cũng trở về nước mang theo virus corona sau khi tham dự sự kiện ở Malaysia.

Trong khi tôn giáo là một lý do, Malaysia cũng bị cho đã không kịp chuẩn bị tốt để đối phó dịch vì bất ổn chính trị. Giai đoạn qua là lúc chính trường Malaysia sóng gió với việc thủ tướng Mahathir Mohamad từ chức, sau đó một chính phủ mới thành lập trong tranh cãi.

Người dân Singapore mang khẩu trang khi đi metro - Ảnh: AFP

Hành động trước khi quá muộn

Trong vòng hơn một tuần trở lại đây, các quốc gia Đông Nam Á đều bắt đầu áp dụng biện pháp ngăn dịch quyết đoán hơn vì nỗi lo làn sóng lây lan mới. 

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha khẳng định chính phủ nước này sẽ cân nhắc nghiêm túc khả năng phong tỏa toàn quốc nếu một làn sóng bùng phát virus thứ ba xảy ra. Bệnh viện dã chiến cùng những khâu chuẩn bị khác cũng đã sẵn sàng. 

Malaysia trong khi đó cũng cân nhắc kéo dài giai đoạn phong tỏa hai tuần nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng.

Campuchia cũng là một điểm nóng khác với số ca tăng mạnh trong những ngày gần đây. Chia sẻ với Tuổi Trẻ từ Campuchia, phóng viên Sao Phal Niseiy cho biết hầu hết các ca nhiễm tại nước này là người về Campuchia từ nước ngoài, như ở Malaysia hoặc Pháp trước khi các biện pháp hạn chế du lịch được ban hành.

"Điều tôi thấy lo là khả năng lây nhiễm trong cộng đồng, vốn có thể dẫn tới thảm họa lớn hơn trong việc điều trị cho người nhiễm. Dù hệ thống y tế có tiên tiến tới đâu, chúng ta cũng không thể làm tốt khi có quá nhiều người nhiễm cùng lúc. 

Tôi cho rằng các biện pháp mạnh mẽ và nghiêm ngặt hơn cần được thực hiện nhanh nhất có thể. Nếu không phong tỏa toàn bộ các thành phố bị ảnh hưởng, một lệnh yêu cầu công dân ở nhà cũng có thể giúp ích trong giai đoạn khó khăn này" - Niseiy nói.

GS.TS Prasit phân tích rằng số ca COVID-19 của Thái Lan đã tăng 33% mỗi ngày, và nếu tỉ lệ này cứ lũy tiến thì tới ngày 15-4 tổng số ca nhiễm sẽ lên tới mức 350.000 và sẽ có tầm 7.000 người chết. Trong khi đó, số người bệnh nặng sẽ chừng 17.000 và con số này sẽ vượt quá nguồn lực y tế mà Thái Lan có thể trang trải. "Đó sẽ là tình cảnh như ở Ý. Các quyết định khi đó sẽ là phải lựa chọn chữa cho ai, không chữa cho ai" - ông nói.


ASEAN - EU nhất trí phối hợp ứng phó

Trong hội nghị tổ chức qua cuộc gọi trực tuyến tuần trước, bộ trưởng các nước ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) nhất trí thúc đẩy phối hợp, giữ nguồn cung ứng mở và trao đổi thông tin để chống dịch COVID-19 cũng như tác động của dịch lên kinh tế hai bên.

Hai nhóm cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau trong thời gian khó khăn này và thực hiện "các bước đi quyết đoán, hợp lý và khách quan dựa trên dữ liệu, bằng chứng khoa học" trong việc chống lại đại dịch toàn cầu.


100.000

Ngày 23-3, thế giới đánh dấu cột mốc đầy tích cực trong cuộc chiến chống virus corona chủng mới khi số ca được điều trị khỏi virus này đã chính thức vượt mốc 100.000 người.

Tính đến 20h ngày 23-3 (giờ Việt Nam), theo trang web thống kê uy tín Worldonmeters, tổng số ca hồi phục trên toàn cầu là 100.569 người. Trong đó, Trung Quốc dẫn đầu với 72.703 người, theo sau là Iran (8.376), Ý (7.024), Tây Ban Nha (3.355) và Hàn Quốc (3.116). (DIỆU AN)

Theo tuoitre