Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM (IVFTA-HCM) một ngày tháng 9, nữ bệnh nhân N.T.V cầm trên tay xấp bệnh án dày, lưu lại kết quả thăm khám tại tất cả trung tâm thụ tinh ống nghiệm ở miền Nam. Chị đến đây để tìm hy vọng lần cuối, sau hành trình tìm con dài và bế tắc. Đón chị là ThS.BS Giang Huỳnh Như - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
“7 năm chịu cảnh vô sinh, 4 lần mổ nội soi tử cung và ổ bụng, 8 lần chuyển phôi không thành công. Ở tuổi 32, bệnh nhân được chỉ định mang thai hộ. Lần nỗ lực cuối, cô kể với tôi về ước mơ lớn nhất đời - được cầm trên tay kết quả xét nghiệm Beta hCG dương tính sau nhiều năm ròng không hy vọng…”, bác sĩ Như kể lại.
Dừng chân tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM như lần đánh cược cuối cùng với số phận, nữ bệnh nhân không ngờ sớm chạm tới ước mơ - được nhìn thấy hình ảnh siêu âm tim thai nhấp nháy trên máy, cầm tờ kết quả xét nghiệm Beta hCG dương tính… Giọt nước mắt hạnh phúc của cô mang theo câu chuyện về nhiều nỗ lực của đội ngũ chuyên gia hàng đầu tại IVF Tâm Anh, đặc biệt là “hậu phương” vững chắc - hệ thống phòng lab hiện đại nhất Việt Nam, nơi thực hiện nhiều kỹ thuật IVF tiên tiến.
“Trường hợp bệnh khó như chị N.T.V đến với chúng tôi không phải lần đầu. Những cặp vợ chồng mong con lâu năm, thất bại chuyển phôi nhiều lần… thường đến IVF Tâm Anh để tìm cơ hội cuối, trước khi xin trứng, xin tinh trùng, mang thai hộ hoặc tắt đi niềm hy vọng có con của chính mình. Hiểu được sự kỳ vọng của họ, chúng tôi nâng niu từng cơ hội, mỗi mầm sống. Trong đó, công đoạn tạo phôi, nuôi phôi là mắt xích hàng đầu trong hành trình thụ tinh ống nghiệm và phòng lab ISO 5 siêu sạch là chỗ dựa vững chắc - một trong những bí quyết trị các ca bệnh khó - của đội ngũ IVF Tâm Anh”, bác sĩ Giang Huỳnh Như chia sẻ.
Chia sẻ thêm về câu chuyện của chị N.T.V, sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm đánh giá khả năng sinh sản của hai vợ chồng, ThS.BS Giang Huỳnh Như chọn áp dụng phác đồ kích thích buồng trứng nhẹ cho bệnh nhân. Phác đồ này đặc biệt phù hợp với người có dự trữ buồng trứng thấp, giảm tối đa chi phí kích thích buồng trứng mà hiệu quả tương đương phác đồ thông thường. Ngoài ra, người vợ được bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân để cải thiện chất lượng niêm mạc tử cung, đồng thời sinh thiết niêm mạc, tính toán chính xác thời gian chuyển phôi nhằm đạt hiệu quả tối ưu.
Với người chồng, đội ngũ bác sĩ nam khoa kết hợp chuyên viên phòng lab thực hiện kỹ thuật tìm tinh trùng chất lượng, khỏe mạnh dưới kính hiển vi hiện đại.
Theo bác sĩ Như, với các trường hợp bệnh khó như chị N.T.V, phôi sau khi tạo thành công được nuôi cấy trong hệ thống tủ nuôi cấy phôi hiện đại, đảm bảo nhiệt độ, độ pH và môi trường giống với tử cung người mẹ. Tủ nuôi phôi có gắn camera quan sát 360 độ giúp ghi lại toàn bộ hình ảnh phôi trong suốt quá trình phát triển, nhờ đó chuyên viên phôi học không cần đưa phôi ra bên ngoài để theo dõi.
Thêm vào đó, hình ảnh hình thái học của phôi trong quá trình phát triển được phần mềm bản quyền Kidscore (ứng dụng trí tuệ nhân tạo) phân tích kỹ lưỡng, từ đó hỗ trợ chuyên viên phôi học lựa chọn được phôi có chất lượng tốt nhất.
Phôi sau khi nuôi lên ngày 5, sinh thiết để xét nghiệm các yếu tố di truyền, loại trừ bệnh lý bẩm sinh và đánh giá khả năng phát triển tốt sẽ được chuyển vào cơ thể người mẹ. Như kỳ vọng, sau lộ trình điều trị, chị N.T.V đã có thai sau lần đầu chuyển phôi tại IVF Tâm Anh.
Theo bác sĩ Giang Huỳnh Như, thành công của IVF Tâm Anh đến từ hệ thống phòng lab siêu sạch, với thiết bị nuôi phôi, chọn phôi hiện đại. Nền tảng công nghệ giúp tăng khả năng tối ưu hoá chất lượng cũng như lựa chọn phôi tốt nhất, dẫn tới tỷ lệ thành công cao.
“Nhờ hệ thống phòng lab hiện đại, IVF Tâm Anh khắc phục hạn chế thường gặp trong quá tình nuôi phôi, đồng thời tăng tỷ lệ lựa chọn phôi tốt cũng như nâng tỷ lệ thành công sau chuyển phôi. Nếu các trung tâm khác thường đo lường bằng tỷ lệ có thai trước 12 tuần thì mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ các cặp vợ chồng hiếm muộn có thể mang thai, sinh con khỏe mạnh sau thụ tinh ống nghiệm”, bác sĩ Như phân tích.
Với đội ngũ IVF Tâm Anh - trong đó có ThS.BS Giang Huỳnh Như - phòng lab phôi học được ví như “trái tim” của một trung tâm hỗ trợ sinh sản và đóng vai trò quan trọng trong các phương pháp điều trị thụ tinh ống nghiệm. Cụ thể, đây là nơi thực hiện các kỹ thuật liên quan đến quá trình tạo phôi với điều kiện nuôi cấy được kiểm soát chặt chẽ, mô phỏng môi trường bên trong ống dẫn trứng và tử cung tự nhiên của người mẹ.
Tuy nhiên, với “phòng sạch” thông thường (đạt khoảng ISO 6 hay ISO 7), phòng lab có thể gặp một số vấn đề ảnh hưởng đến quá trình hình thành, phát triển và chất lượng phôi. Đơn cử việc thiếu cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài khiến phòng lab khó đạt các tiêu chí về không khí, nhiệt độ, độ ẩm, độ sạch; áp lực dương không đủ để ngăn chặn khí bẩn ùa vào phòng mỗi khi mở cửa hay khi chuyên viên di chuyển; thiếu khả năng lọc bụi liên tục...
Để khắc phục các hạn chế đó, tại các nước có ngành hiếm muộn phát triển đã xây dựng các phòng lab siêu sạch. Trong đó, với lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm, cấp độ phòng sạch ISO 5 là tiêu chuẩn cao nhất hiện nay.
Là một bác sĩ hiếm muộn, bác sĩ Như thấu hiểu những hạn chế của phòng lab tiêu chuẩn tại Việt Nam, đồng thời ấp ủ ý tưởng về việc thực hiện mô hình phòng lab cao cấp, siêu sạch. “Lab trong lab” là mô hình ra đời sau nhiều trăn trở của nữ bác sĩ. Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, việc đặt phòng lab ISO 5 bên trong phòng lab ISO 6 giúp các hạng mục đầu tư được tính toán hiệu quả và chính xác nhất, mang lại kết quả tối ưu cho bệnh nhân cũng như giảm thiểu chi phí điều trị.
Sau khi “thành hình”, ý tưởng này được công bố rộng rãi trong đề tài tốt nghiệp thạc sĩ Phôi thai học lâm sàng tại Đại học Monash (Australia) năm 2008 của nữ bác sĩ. Và sau khi tốt nghiệp với danh hiệu á khoa, bác sĩ Như trở về Việt Nam, mang theo hoài bão hiện thực hóa mô hình tâm huyết này tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
“Khi bệnh viện đang xây, mỗi ngày, tôi và nhóm lãnh đạo IVFTA-HCM phải leo bộ 7 tầng lầu, mồ hôi ướt đẫm, vôi vữa khắp người… chỉ để xem phòng lab có đúng như bản vẽ thiết kế mà tôi đã tham khảo nhiều ý kiến chuyên gia nước ngoài hay không. Chúng tôi chú trọng từng đường đi của ống khí, vị trí cửa đến cách đặt bàn làm việc, để hiện thực hóa phòng lab hiện đại nhất Việt Nam”, bác sĩ cho biết.
Sau nhiều nỗ lực, bác sĩ Như cùng đồng nghiệp đã hoàn thành mô hình phòng lab ISO 5 (đạt chuẩn quốc tế ISO 14644-1) đầu tiên tại Việt Nam và đặt bên trong phòng ISO 6 tiêu chuẩn.
Đảm bảo tính ổn định cho phòng lab, bác sĩ Giang Huỳnh Như đã thiết kế hệ thống phòng sạch xuống bậc, với khu đệm theo mô hình ISO 5 - ISO 6 - ISO 7 - ISO 8. Cụ thể, áp lực dương giảm dần theo các khu vực, trong đó áp lực phòng ISO 5 cao nhất, đến phòng lab thường là ISO 6, phòng thủ thuật đạt ISO 7 và phòng không khí máy lạnh là ISO 8. Chất lượng không khí ở phòng ISO 5 sạch nhất, hạn chế nhân viên ra vào để đảm bảo môi trường nuôi cấy phôi tối ưu.
“Điều bí mật” ở phòng lab ISO 5 là toàn bộ sàn và trần lắp hệ thống thông khí thẳng đứng từ trên xuống. Toàn bộ khí trời phải thông qua các hệ thống lọc và khử mùi để đảm bảo phôi không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, phòng ISO 5 có các đường hầm nối đến tủ an toàn sinh học cấp 2 bên ngoài. Phôi khi lấy ra từ tủ cấy và đưa vào đường hầm giống như vào một tủ cấy mới, được làm ấm, đảm bảo sạch. Thiết kế này giúp môi trường ISO 5 “cực tốt”.
“Nếu nội mạc tử cung xấu, bác sĩ có thể làm đẹp. Bệnh nhân không tinh trùng, có thể mổ tìm tinh trùng. Nhưng chuyên viên lab tạo phôi loại 1, khi rã cũng là phôi loại 1, không thay đổi chất lượng. Đó là lý do Tâm Anh thực hiện chiến lược tập trung vào lab. Mô hình ‘lab trong lab’ phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, đáp ứng chuỗi mắt xích IVF tính đến thời điểm này”, bác sĩ Như chia sẻ.
Bên trong phòng lab hàng đầu Việt Nam, đội ngũ IVF Tâm Anh bố trí nhiều máy móc và thiết bị hiện đại - “trợ thủ” giúp chuyên gia phôi học tăng tỷ lệ thành công của chu trình nuôi cấy phôi.
Tại IVFTA-HCM, các kỹ thuật viên không cần thực hiện thao tác thủ công mang phôi ra bên ngoài để quan sát mà phôi được nuôi cấy, phát triển trong hệ thống tủ time-lapse với hệ thống camera ghi nhận toàn bộ quá trình phát triển, phân chia tế bào. Phần mềm trí tuệ nhân tạo AI là “cánh tay đắc lực” giúp chuyên viên có cơ sở đánh giá chất lượng phôi, cũng như tiên lượng khả năng đậu thai.
“Chúng tôi tự hào về tỷ lệ thành công sau chuyển phôi đạt 70% với phôi ngày 5, nuôi trong tủ nuôi phôi timelapse, AI và sinh thiết đánh giá di truyền không có bất thường. Thành công được tính trên tỷ lệ em bé sinh ra khỏe mạnh chứ không chỉ là đậu thai. Ngoài ra, chúng tôi tự tin chuyển một phôi duy nhất trong một lần, giảm tối đa nguy cơ đa thai, ngăn ngừa nguy cơ giảm thai, giảm nguy cơ sinh non, bệnh lý truyền máu song thai và nhiều biến chứng thai kỳ nguy hiểm khác. Hiện tại, gần 100% ca bệnh tại Tâm Anh chỉ chuyển một phôi mà vẫn đạt tỷ lệ thành công cao”, bác sĩ Như nói thêm.
Với 80% là ca bệnh khó, vô sinh lâu năm, lớn tuổi, dự trữ buồng trứng kém (AMH thấp), thất bại chuyển phôi nhiều lần,… những kỹ thuật mới có ý nghĩa lớn lao đối với đội ngũ nhân viên và bệnh nhân của IVFTA-HCM khi tỷ lệ thành công của chúng tôi ngày càng cao, lên đến 70% trung bình, thậm chí 80% ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi.
“Với bác sĩ hỗ trợ sinh sản, trong những lần chuyển phôi, trên tay họ là một thiết bị vài gram nhưng nặng tựa nghìn cân. Thao tác chỉ mất chừng 10 phút nhưng mang nặng hy vọng của bệnh nhân, thậm chí là tài chính trong suốt nhiều năm chạy vạy”, bác sĩ Như bày tỏ.
Bên cạnh phòng lab, thiết bị hiện đại bậc nhất, đội ngũ bác sĩ IVF Tâm Anh luôn tâm niệm “cơ thể bệnh nhân không có phác đồ, mà chỉ có sinh lý”. Bởi vậy, các bác sĩ tạo ra phác đồ điều trị “đo ni đóng giày”, cá nhân hóa cho từng bệnh nhân. Nhờ đó tăng hiệu quả điều trị, tiết giảm chi phí - điều ý nghĩa với những cặp vợ chồng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hiếm muộn lâu năm.
“Chúng tôi có những toa thuốc kích thích buồng trứng chỉ… vài chục nghìn đồng, thậm chí 0 đồng. Nhờ đó, bệnh nhân trong một lần làm thụ tinh ống nghiệm có thể tiết kiệm hàng chục triệu đồng. Đồng thời, kết hợp đơn vị Nam học tại trung tâm Hỗ trợ sinh sản, chúng tôi giúp các cặp vợ chồng được điều trị ‘hai trong một’, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc”, bác sĩ Như hào hứng chia sẻ.
Khám và điều trị vô sinh nam cũng là một lợi thế của ITFTA-HCM. Trung tâm hiện có đội ngũ chuyên gia Nam học với kỹ thuật tìm tinh trùng hiện đại cho các ông chồng mắc bệnh lý vô tinh, đồng thời duy trì chất lượng sống cho những ông bố trong tương lai.
“Chúng tôi tự hào về mô hình ‘kiềng ba chân’ vững chắc trong điều trị hiếm muộn, thụ tinh ống nghiệm: Phòng lab hiện đại bậc nhất với các thiết bị chuyên dụng; Đơn vị nam học mạnh, nhiều chuyên khoa phối hợp điều trị; Đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, tâm huyết, tận tâm”, bác sĩ nói thêm.
Với bác sĩ Như, sau 20 năm, cảm xúc dâng trào mỗi khi bệnh nhân đón nhận tin vui làm cha, mẹ vẫn vẹn nguyên như lần đầu. Nữ bác sĩ thổ lộ đây là niềm hạnh phúc và động lực để đội ngũ IVF Tâm Anh không ngại khó khăn, ươm từng mầm sống, mang cơ hội làm cha mẹ đến với các cặp vợ chồng.
Theo zingnews