Ảnh: The Srpska Times.
Đầu năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp "do dự tiêm vắcxin" là một trong những mối đe dọa lớn nhất đến sức khỏe con người. Để xem mức độ tin tưởng vào vắcxin ở các nước, tổ chức Wellcome Trust đã khảo sát hơn 140.000 người tại hơn 140 quốc gia. Kết quả cho thấy phần lớn dân vẫn tin vào độ an toàn và hiệu quả của vắc xin.
Khi được hỏi liệu vắcxin có an toàn không: 79% đồng ý hoặc rất đồng ý, 7% không đồng ý hoặc rất không đồng ý, 14% không đồng ý cũng không phản đối.
Khi được hỏi có tin vắcxin hiệu quả không: 84% đồng ý hoặc rất đồng ý, 5% không đồng ý hoặc rất không đồng ý, 12% không đồng ý cũng không phản đối.
Những người sống ở một số khu vực thu nhập cao lại ít tin tưởng về sự an toàn của vắcxin. Tại Pháp, một trong số nhiều quốc gia châu Âu đang trải qua dịch sởi, một phần ba số người tham gia khảo sát không đồng ý rằng vắcxin là an toàn. Đây là tỷ lệ không đồng ý cao nhất toàn thế giới.
Ở Bắc Mỹ, Nam và Bắc Âu, chỉ có hơn 70% người dân cho rằng vắcxin là an toàn. Tại Tây Âu và Đông Âu, con số này còn thấp hơn, lần lượt là 59% và 50%.
Ngược lại, hầu hết người dân ở khu vực thu nhập thấp tin vắcxin là an toàn. Tỷ lệ cao nhất là ở Nam Á với 95%, tiếp đến là Đông Phi với 92%.
Tại Việt Nam, 71% người khảo sát đồng ý rằng vắcxin an toàn. Tỷ lệ này thấp hơn mức trung bình của Đông Nam Á là 84%. Về độ hiệu quả của vắcxin, 73% cho rằng vắcxin hiệu quả trong khi tỷ lệ của Đông Nam Á là 81%. Có 93% bố mẹ Việt đã tiêm phòng ít nhất một bệnh cho con.
Vắcxin bảo vệ hàng tỷ người trên khắp thế giới. Nó diệt trừ hoàn toàn bệnh đậu mùa và đang đưa thế giới tiến gần đến việc loại bỏ những căn bệnh khác, ví dụ như bệnh bại liệt. Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy tiêm chủng là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại các bệnh nhiễm trùng chết người chẳng hạn như bệnh sởi.
Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân trên thế giới dần mất niềm tin vào vắcxin, chủ yếu do thông tin sai lệch về tác dụng phụ của vắcxin.
Bác sĩ Ann Lindstrand, chuyên gia về tiêm chủng tại WHO, nhận định tình hình hiện tại là vô cùng nghiêm trọng: "Sự do dự trong tiêm phòng cản trở những tiến bộ mà thế giới đã đạt được trong việc kiểm soát các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin. Bất kỳ sự bùng phát nào của một trong những bệnh này cũng là một bước lùi không thể chấp nhận được".
Thực tế, các quốc gia gần loại trừ bệnh sởi đã và đang chứng kiến những đợt bùng phát lớn. Dữ liệu cho thấy sự gia tăng các ca nhiễm sởi ở hầu hết các khu vực trên thế giới.
Không tiêm phòng gây rủi ro lây nhiễm cho người khác cũng như cá nhân người không tiêm. Vắcxin chỉ phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ cộng đồng nếu tỷ lệ tiêm phòng đạt 95%.
Theo bác sĩ Lindstrand, để cải thiện tình hình trên, một trong những biện pháp can thiệp quan trọng nhất là đảm bảo nhân viên y tế được đào tạo tốt, có thể và sẵn sàng đề xuất tiêm chủng dựa trên những sự thật khoa học.
Theo vnexpress