Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3) cho biết, củ cải đường, hay còn gọi Beta vulgaris, một dạng củ cải đường thuộc họ rau dền (Amaranthaceae). Nước củ cải đường chứa hàm lượng sucrose cao, chỉ đứng sau mía.
Thành phần dinh dưỡng của củ cải đường trong 100 gram bao gồm 1,4 gram protid, 3,7 gram glucid, 1,5 gram xenluloza, 40 mg canxi, 41 mg photpho, 1,1 mg sắt, 0,06 mg vitamin B1,... Theo y học cổ truyền, củ cải đường có vị ngọt, hơi cay, đắng, tính bình có tác dụng tốt cho sức khỏe. Củ cải còn được sử dụng làm thuốc ở dạng khô.
Trong những năm gần đây, củ cải đường được ưa chuộng với hai thành phần đặc biệt là betalain (betanin) và nitrat. Betalain đã được chứng minh là có thể loại bỏ stress oxy hóa. Nó cũng được phát hiện có hoạt tính chống khối u bằng cách ức chế sự tăng sinh tế bào, hình thành mạch máu, gây ra apoptosis tế bào. Trong một số bệnh mạn tính, nitrat là thành phần chính để hạ lipid máu, glucose và huyết áp. Hơn nữa, việc bổ sung củ cải đường giàu nitrat có thể tăng cường hiệu suất thể thao và làm giảm đau nhức cơ trong một số loại bài tập nhất định.
Hạ huyết áp: Nước ép củ cải đường có thể giúp hạ huyết áp, lưu ý rằng nitrat từ nước ép củ cải đường có tác dụng làm giảm huyết áp tâm thu ở người lớn bị tăng huyết áp. Nitrat là hợp chất trong nước ép củ cải đường chuyển hóa thành oxit nitric trong máu và giúp mở rộng và thư giãn các mạch máu.
Cải thiện sức bền khi tập thể dục: Uống nước ép củ cải đường có thể làm tăng nồng độ nitrat trong huyết tương và tăng cường sức bền cơ thể.
Duy trì cân nặng: Nước ép củ cải đường nguyên chất có hàm lượng calo thấp và hầu như không có chất béo. Nhưng lưu ý rằng nó chứa nhiều đường tự nhiên.
Giảm nguy cơ ung thư: Betalain và các chất chống oxy hóa khác có thể giúp tìm và tiêu diệt các gốc tự do hoặc các phân tử không ổn định trong cơ thể, những thứ có thể thúc đẩy tình trạng viêm và làm tăng nguy cơ ung thư nếu tích tụ với số lượng lớn.
Tăng cường sức khoẻ khi xạ trị: Nghiên cứu khác thấy nước ép củ cải đường có đặc tính bảo vệ hóa học tiềm năng. Điều này có nghĩa là nó có thể giúp giảm tác dụng phụ và tổn thương cho cơ thể do hóa trị liệu gây ra như mệt mỏi. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thêm, đặc biệt là để xem nước ép củ cải đường có thể tương tác với hóa trị liệu và các loại thuốc khác hay không.
Nguồn kali tốt: Củ cải đường là nguồn kali tốt, đây là một khoáng chất và chất điện giải giúp dây thần kinh và cơ hoạt động bình thường. Uống nước ép củ cải đường ở mức độ vừa phải có thể giúp duy trì mức kali ở mức tối ưu. Nếu mức kali quá thấp, có thể xảy ra tình trạng mệt mỏi, yếu và chuột rút cơ. Kali rất thấp có thể dẫn đến nhịp tim bất thường đe dọa tính mạng. Có mức kali quá cao có thể dẫn đến các triệu chứng tương tự và đe dọa tính mạng.
Những người mắc bệnh thận mạn tính và bệnh thận giai đoạn cuối có thể cần tuân theo chế độ ăn ít kali, vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thường xuyên uống nước ép củ cải đường.
Nguồn khoáng chất khác tốt: Bên cạnh kali, nước ép củ cải đường còn cung cấp: sắt, magiê, mangan, natri, kẽm, đồng, selen.
Nguồn folate tốt: Folate là một loại vitamin B giúp ngăn ngừa các khuyết tật ống thần kinh, chẳng hạn như tật nứt đốt sống... Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ sinh non.
Lưu ý khi sử dụng củ cải đường
Theo bác sĩ Vũ, mặc dù đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng chỉ nên dùng nước ép củ cải đường với một lượng vừa phải. Nếu lạm dụng có thể dẫn đến các tình trạng như:
- Tăng hàm lượng oxalat trong máu. Đây là nguyên nhân hình thành nên sỏi thận và bệnh gout.
- Đầy bụng, thậm chí tiêu chảy và buồn nôn.
- Có thể bị phát ban toàn thân, thậm chí bị sốt.
- Tăng lượng đường trong máu vì chỉ số glycemic trong củ cải đường khá cao.
Những người sau đây cần lưu ý khi sử dụng nước ép củ cải đường:
- Người bị huyết áp thấp.
- Phụ nữ mang thai vì hàm lượng natri cao trong củ cải đỏ có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
- Người bị dị ứng với củ cải nói chung.
- Người bị loãng xương vì nước ép củ cải đường sẽ làm giảm lượng canxi trong cơ thể và khiến bệnh nặng hơn.
"Bổ sung nước ép củ cải có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, tuy nhiên cần xây dựng chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng và duy trì lối sống lành mạnh để tăng cường sức khỏe", bác sĩ Vũ khuyến cáo.
|