Trẻ sơ sinh ở khu vực ô nhiễm dễ gặp các vấn đề về phổi, nhẹ cân hoặc sinh non. Từ đó làm tăng nguy cơ tử vong trong những tháng đầu đời
Báo cáo State of Global Air 2020 nghiên cứu dữ liệu về số ca tử vong ở trẻ sơ sinh trên khắp thế giới, cùng với nhóm bằng chứng ngày càng tăng về mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí với các vấn đề sức khỏe.
Dữ liệu cho thấy năm 2019, ô nhiễm không khí gây ra cái chết sớm cho gần nửa triệu trẻ sơ sinh trong tháng đầu đời, với hầu hết trường hợp tập trung ở các nước đang phát triển.
Tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí cũng có hại cho thai nhi. Nó có thể gây ra sinh non hoặc sinh con nhẹ cân. Cả hai yếu tố này đều có liên quan đến tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao hơn.
Gần 2/3 trong số 500.000 trẻ sơ sinh tử vong được ghi nhận có liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà, đặc biệt phát sinh từ nhiên liệu rắn như than củi, gỗ và phân động vật để nấu nướng.
Các chuyên gia y tế vẫn luôn cảnh báo về tác động của ô nhiễm không khí đối với người lớn tuổi và những người có vấn đề sức khỏe, nhưng chỉ mới bắt đầu hiểu về con số tử vong đối với trẻ sơ sinh và thai nhi.
Katherine Walker - trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Hiệu ứng Sức khỏe - cho biết: “Chúng tôi không hoàn toàn hiểu cơ chế tác động là gì, nhưng điều đó làm giảm sự phát triển của bào thai và cuối cùng khiến trẻ nhẹ cân khi sinh”. Trẻ sinh ra nhẹ cân dễ bị nhiễm trùng và viêm phổi. Phổi của trẻ sinh non cũng không phát triển đầy đủ.
Beate Ritz, giáo sư dịch tễ học tại Đại học California, Los Angeles (UCLA – Mỹ), cho biết ô nhiễm không khí trong nhà ở các thành phố trên khắp Ấn Độ, Đông Nam Á và châu Phi tương đương với mức ô nhiễm của London vào thời kỳ công nghiệp hóa.
G.S Ritz nhận xét: “Đây không phải là ô nhiễm không khí mà chúng ta thấy ở các thành phố hiện đại (tại nhóm nước phát triển) mà là thứ chúng ta ghi nhận cách đây 150 năm ở London và những nơi khác. Ô nhiễm không khí trong nhà không phải là vấn đề hàng đầu đối với các nhà hoạch định chính sách, nhưng điều đó cần thay đổi”.
Vấn đề ô nhiễm không khí trong nhà ít được chú trọng và ngày càng trở nên nghiêm trọng tại các quốc gia đang phát triển
Bà chỉ ra rằng tác hại đối với trẻ em vượt ra khỏi số ca tử vong; bởi giảm ô nhiễm không khí sẽ giúp giảm bớt tác hại sức khỏe cho những trẻ sống sót, tránh nguy cơ tổn thương não và nhiều cơ quan khác.
Một số tác động từ ô nhiễm không khí có thể đã tồn tại, không được chú ý suốt nhiều thế kỷ, vì từ lâu con người đã đốt lửa trong không gian kín. Hoạt động khiến vật chất dạng hạt xâm nhập cơ thể, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em - những người ở trong nhà nhiều hơn.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay dần phức tạp hơn bởi mật độ dân số dày đặc của nhiều thành phố đang phát triển, cũng như ô nhiễm không khí ngoài trời từ phương tiện giao thông và công nghiệp. Những yếu tố này khiến hàng trăm triệu người không có lối thoát khỏi không khí bẩn, từ sáng đến tối.
Báo cáo tập trung vào dữ liệu từ năm 2019, do đó không bao gồm các tác động của các chính sách cấm vận trên toàn thế giới vào năm 2020 do đại dịch COVID-19.
Các nhà khoa học cho biết có rất ít dấu hiệu cải thiện về ô nhiễm không khí trong thập niên qua, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ từ không khí bẩn trong 5 năm gần đây.
Ít nhất 6,7 triệu ca tử vong trên toàn cầu trong năm 2019 là do tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí, một yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim, tiểu đường, ung thư phổi và các bệnh phổi mãn tính khác. Ô nhiễm không khí hiện là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên toàn cầu, chỉ sau hút thuốc và chế độ ăn uống kém.
Theo phunuonline