Ốm nghén khi mang thai là tình trạng rất thường gặp ở phụ nữ có bầu. Giai đoạn này đem đến cho mẹ nhiều khó khăn, mệt mỏi, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

om nghen

80% phụ nữ mang thai trải qua giai đoạn ốm nghén (Ảnh minh họa)

Ốm nghén là gì?

Theo ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Phụ sản TW, triệu chứng đặc trưng nhất của ốm nghén là tình trạng thai phụ buồn nôn, nôn vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày (thường là buổi sáng).

Mẹ bầu có thể trở nên nhạy cảm với các kích thích về mùi, vị như thịt, cá còn sống, đồ chiên rán,... Đây là một trong những dấu hiệu gợi ý rằng chị em đang có “tin vui” trong giai đoạn đầu của thai kỳ.

“Ốm nghén thường diễn ra trong 3 tháng đầu, sau đó sẽ giảm dần và biến mất trong các tháng tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều chị em có thể bị ốm nghén kéo dài, thậm chí đến sát thời gian sinh nở”, vị chuyên gia cho biết.

Ốm nghén ảnh hưởng như thế nào đến mẹ và bé?

Theo BS Thành, thông thường ốm nghén không để lại những ảnh hưởng lớn với mẹ bầu và thai nhi. Đa phần các chị em sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bầu không tăng cân nhiều, thậm chi sụt cân trong ba tháng đầu. Điều này có thể khiến chị em lo lắng rằng sẽ thai nhi sẽ không nhận đủ chất dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh.

Tuy nhiên, thực tế mẹ bầu được khuyến cáo chỉ nên tăng trung bình 0,5 - 2kg trong quý I thai kỳ. Đồng thời, trong hầu hết các trường hợp thì triệu chứng ốm nghén sẽ giảm dần và mẹ bầu có thể ăn uống trở lại như bình thường.

Tuy vậy, vị bác sĩ cho hay vẫn có nhiều chị em bị ốm nghén kéo dài.

"Dạo một vòng trong các hội nhóm về mang thai, có thể thấy những mẹ bầu đến tuần thai thứ 35 - 36 mà còn nghén nặng hơn thời gian đầu, cứ ăn vào là lại nôn ra.

Nôn kéo dài kèm theo chán ăn khiến mẹ bầu mất nước nghiêm trọng, cơ thể suy nhược, hay hoa mắt chóng mặt, tăng nguy cơ đẻ non, sảy thai, thai chết lưu. Thai nhi trong bụng không những không đạt cân nặng tiêu chuẩn mà còn có nguy cơ mắc phải những dị tật bẩm sinh", bác sĩ Thành nói.

Empty
 

Khi nghén, thai phụ dễ nhạy cảm với mùi vị thức ăn, cảm thấy ăn không ngon miệng, buồn nôn và nôn (Ảnh minh họa)

Làm thế nào để khắc phục ốm nghén khi mang thai?

Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TW bật mí, để khắc phục tình trạng ốm nghén khi mang thai, mẹ bầu cần lưu ý:

- Chia nhỏ các bữa ăn hàng ngày giúp mẹ bầu không có cảm giác “ngán” khi ăn, đồng thời lượng thức ăn vừa đủ sẽ hạn chế nguy cơ buồn nôn, nôn.

- Không bỏ bữa, không chờ đến khi đói mới ăn. Hạn chế các đồ ăn nặng mùi, đặc biệt là các mùi khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu.

- Sử dụng ít gia vị khi chế biến thức ăn, hạn chế thực phẩm nhiều đường, nhiều dầu mỡ.

- Chuẩn bị đồ ăn nhẹ như bánh quy giòn, bánh mì nướng, bỏng ngô không đường. Tăng cường thực phẩm nhiều chất xơ, vitamin như trái cây, rau củ.

- Uống nước thường xuyên, nên uống từng ngụm nhỏ. “Làm bạn’ với gừng, chanh (uống trà gừng, nước chanh, ngửi vỏ chanh).

- Không ngồi/nằm ngay sau khi ăn.

- Giữ môi trường xung quanh thông thoáng.

- Tập thể dục, vận động nhẹ nhàng, ngủ đúng giờ, đủ giấc.

 Đặc biệt, BS Thành nhấn mạnh nếu mẹ bầu có triệu chứng ốm nghén nặng, ốm nghén kéo dài hay có bất kỳ thắc mắc gì về tình trạng ốm nghén của mình, hãy đến khám tại các cơ sở y tế có uy tín để được thăm khám và tư vấn một cách tốt nhất.

Theo giadinhonline.vn