Nghiên cứu mới đã cung cấp thêm thông tin về vai trò quan trọng của kali trong việc kiểm soát huyết áp cao.

Tác giả chính, tiến sĩ Liping Huang, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu The George Institute for Global Health (Úc), cho biết tác động lên huyết áp của cả natri và kali trong chế độ ăn uống đều đã được biết đến từ lâu. Nhưng chỉ trong nghiên cứu gần đây về các chất thay thế muối giàu kali thì khoa học mới phát hiện ra tiềm năng to lớn của việc tăng lượng kali trong chế độ ăn uống.

leftcenterrightdel
 Nghiên cứu mới đã cho thấy vai trò quan trọng của kali trong việc kiểm soát huyết áp cao
Tiến sĩ Huang nói: Mọi người có xu hướng ăn nhiều natri và ít kali. Cả 2 điều này đều làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao, đột quỵ, bệnh tim và tử vong sớm.

Tiến sĩ Huang nói thêm: Sử dụng chất thay thế muối, trong đó một phần natri clorua được thay thế bằng kali clorua sẽ giải quyết được cả hai vấn đề cùng một lúc. Nhưng hiệu quả của việc giảm natri so với bổ sung kali vẫn chưa rõ ràng.

Để hiểu rõ điều này, các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu The George Institute for Global Health đã phân tích dữ liệu từ một thử nghiệm quy mô lớn của viện mang tên "Nghiên cứu về việc thay thế muối và đột quỵ" (SSaSS), với sự tham gia của 20.995 người, kéo dài trong 5 năm.

Kết quả cho thấy chuyển từ muối thông thường sang muối giàu kali giúp giảm đến 14% nguy cơ đột quỵ, giảm 13% các biến cố tim mạch nghiêm trọng và giảm 12% nguy cơ tử vong sớm.

Các tác giả đã phát hiện ra rằng có đến 61 - 88% tác dụng hạ huyết áp cao được ghi nhận trong thử nghiệm là nhờ bổ sung kali. Trong mọi trường hợp, kết quả đều cho thấy phần lớn việc giảm huyết áp là nhờ tăng kali trong chế độ ăn chứ không phải do giảm natri trong chế độ ăn, theo Medical Express.

Tiến sĩ Huang cho biết: Chúng tôi luôn biết rằng kali có vai trò trong việc kiểm soát huyết áp, nhưng cho đến khi thực hiện những phân tích này, chúng tôi mới nhận ra tầm quan trọng của nó.

Các hướng dẫn chế độ ăn uống hiện tại khuyến nghị lượng kali tiêu thụ hơn 3,5 g/ngày, nhưng một nghiên cứu gần đây ước tính chỉ hơn 1/3 dân số toàn cầu đạt được mục tiêu này.

Tiến sĩ Huang nói: Mọi người khó tuân thủ việc giảm natri và tăng kali trong chế độ ăn uống theo khuyến nghị. Các chất thay thế muối đặc biệt thú vị về mặt này, bởi vì hầu hết mọi người có thể dễ dàng chuyển sang muối giàu kali. Trong thử nghiệm của chúng tôi, hơn 90% người tham gia được chỉ định sử dụng chất thay thế muối vẫn tiếp tục sử dụng sau 5 năm.

Tiến sĩ Huang cho biết thêm: Với các chất thay thế muối giàu kali, chúng ta có cơ hội khả thi cao để tạo ra lợi ích sức khỏe to lớn nhưng chi phí thấp cho mọi người.

Thực phẩm giàu kali

Thực phẩm giàu kali bao gồm:

Chuối, bơ, dưa hấu, cam, bưởi, nho khô, mận khô.

Các loại đậu - nhất là đậu ngự, đậu nành.

Các loại hạt - nhất là hạt hướng dương.

Khoai tây, khoai lang.

Rau bó xôi nấu chín, cà chua nấu chín, bông cải xanh nấu chín, bí đỏ nấu chín, nấm, dưa leo, rau lá xanh.

Các loại cá như cá hồi, cá ngừ và thịt gia cầm, sữa không béo.

Gạo lứt, bánh mì và mì sợi từ ngũ cốc nguyên cám.

Theo Thanh niên