leftcenterrightdel
 Bệnh tự kỷ không chỉ ảnh hưởng đến não mà còn các vấn đề về tiêu hóa, giấc ngủ, thần kinh và thị giác. Ảnh:Pexels

Theo South China Morning Post, Geraldine Dawson, tác giả nghiên cứu, cho biết trẻ sơ sinh được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ khi lớn lên có khả năng cao đi khám nhãn khoa, thần kinh, gặp vấn đề về dạ dày, đường tiêu hóa hoặc làm vật lý trị liệu so với trẻ có thần kinh bình thường.

Bà Geraldine cũng là Giám đốc Trung tâm Phát triển Trí não và Tự kỷ Duke.

Những phát hiện này cần được xác nhận bằng nghiên cứu sâu hơn. Nhưng nếu phát hiện ra dấu hiệu cảnh báo chứng tự kỷ trong những ngày đầu tiên của trẻ, các bác sĩ nhi khoa và cha mẹ có thể kịp thời điều trị cho trẻ.

David Mandell, giáo sư tâm thần học tại trường Y Perelman, Đại học Pennsylvania, chia sẻ: “Đóng góp quan trọng nhất của nghiên cứu này là chúng ta có thể thông qua 30 ngày đầu tiên trong lúc chăm sóc sức khỏe của trẻ để đánh giá nguy cơ trẻ bị tự kỷ”.

Phát hiện từ nghiên cứu

Nghiên cứu dựa trên hồ sơ y tế điện tử của 45.000 trẻ em lúc còn sơ sinh (1/2006-12/2020) và khám tại Hệ thống Y tế Đại học Duke. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng những ghi chép này để đánh giá mô hình học máy (ML).

Thuật toán cuối cùng của họ có thể dự đoán được những đứa trẻ nào sau này sẽ mắc chứng tự kỷ. Tự kỷ khác với rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc các chẩn đoán phát triển thần kinh khác.

Tiến sĩ Matthew Engelhard, trợ lý giáo sư về thống kê sinh học và tin sinh học, cho biết mô hình xem xét lượng lớn các yếu tố trong toàn bộ hồ sơ sức khỏe của trẻ sơ sinh. Mỗi yếu tố đều có dấu hiệu tăng dần.

Nhóm nghiên cứu đặc biệt chú ý đến cách mô hình hoạt động ở nhóm trẻ thường không được phát hiện qua phương pháp sàng lọc truyền thống. Do đó, nhóm gồm các bé gái, trẻ em da màu, trẻ bị cả tự kỷ và ADHD thường bị bỏ lỡ cơ hội chẩn đoán sớm.

Tiến sĩ Dawson cho biết nếu các nghiên cứu sâu hơn xác nhận phát hiện này, thuật toán có thể được sử dụng cùng các công cụ sàng lọc khác, ghi nhận từ phụ huynh và quan sát y tế.

“Tự động thu thập thông tin khi chăm sóc trẻ, máy tính có thể cảnh báo bác sĩ nhi khoa rằng dựa trên mô hình, trẻ có khả năng cao mắc chứng tự kỷ sau này. Mục đích của việc này là để bác sĩ nhi khoa giám sát trẻ em nhiều hơn”, tiến sĩ Dawson nói thêm.

leftcenterrightdel
 Tự kỷ thường xuất hiện khi trẻ 3-4 tuổi. Ảnh:Pexels. 

Chứng tự kỷ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể

Theo phát hiện từ nghiên cứu, chứng tự kỷ không chỉ là tình trạng của não mà là hội chứng toàn thân, có thể bao gồm các vấn đề về tiêu hóa, giấc ngủ, thần kinh, thị giác và nhiều vấn đề khác.

Tiến sĩ Dawson cho hay: “Chúng ta cần nghĩ chứng tự kỷ không chỉ là tình trạng sức khỏe hành vi mà còn là tình trạng liên quan đến sức khỏe thể chất. Từ đó, chúng ta sẽ tận dụng được nhiều thông tin để phục vụ tốt cho việc phát hiện sớm”.

Tự kỷ được định nghĩa là tình trạng phát triển thần kinh đặc trưng bởi những khó khăn khi tương tác, giao tiếp xã hội, bị hạn chế hoặc lặp đi lặp lại cách suy nghĩ và hành vi. Tự kỷ thường gặp ở trẻ 3-4 tuổi.

Theo Marc Weisskopf, nhà dịch tễ học tại trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ), việc phát hiện ra các dấu hiệu sớm trong đời cũng ủng hộ ý kiến cho rằng chứng tự kỷ được hình thành từ trước khi sinh.

Nghiên cứu khác chỉ ra việc phát hiện và can thiệp sớm sẽ cải thiện kết quả cho trẻ. Theo Học viện Nhi khoa Mỹ, tất cả trẻ mới biết đi đều phải được sàng lọc chứng tự kỷ khi được 18-24 tháng tuổi.

Ông Mandell cho biết tín hiệu ban đầu này kết hợp với sự quan tâm của cha mẹ và các sàng lọc khác sẽ là dấu hiệu để bác sĩ giúp trẻ can thiệp sớm. Theo ông, hầu hết gia đình có những lo ngại sớm như thế để dành thời gian và tinh thần chuẩn bị cho bất cứ điều gì có thể xảy ra.

Ngoài ra, tiến sĩ Dawson nói thêm các nhà nghiên cứu về bệnh tự kỷ đang phát triển cách để giúp đỡ trẻ em từ 6 tháng tuổi. Cha mẹ có thể được hướng dẫn cách tăng tương tác xã hội cho trẻ, cách dạy trẻ nói bập bẹ và giao tiếp sớm.

Theo zingnews