Hoạt động tình nguyện rất tốt. Nó có thể củng cố tinh thần đồng đội trong một tổ chức, có lợi cho môi trường và hỗ trợ những người lớn tuổi.

Tuy nhiên, lợi ích sức khỏe đối với người hoạt động tình nguyện vẫn chưa được nghiên cứu, theo chuyên trang y tế Medical Express.

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Friedrich-Alexander-Universität của Đức (FAU) và Dự án nghiên cứu về sa sút trí tuệ Digital Dementia Registry Bavaria của Đức (digiDEM Bayern) đã phát hiện ra rằng công việc tình nguyện có thể có tác động tích cực đến khả năng nhận thức của các tình nguyện viên.

Phát hiện lợi ích bất ngờ cho người lớn tuổi khi làm việc tình nguyện - Ảnh 1.

Hoạt động tình nguyện làm tăng hiệu suất nhận thức của người lớn tuổi

SHUTTERSTOCK

Theo ước tính, hơn 1 tỉ người trên thế giới đang tham gia vào công việc tình nguyện. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hoạt động tình nguyện có thể có những tác động nhiều mặt đối với hoạt động nhận thức, xã hội và thể chất.

Trong tổng quan hệ thống của mình, các nhà nghiên cứu đã phân tích tổng cộng 14 nghiên cứu được công bố từ năm 2017 đến 2021 tại Mỹ, Hàn Quốc, Brazil, Anh, Scotland, New Zealand, Trung Quốc và Nhật Bản... bao gồm những người tham gia trong lứa tuổi từ 61 đến 74.

Mục đích của phần tổng quan là điều tra mối liên quan giữa hoạt động tình nguyện và khả năng nhận thức của tình nguyện viên.

Người dẫn đầu nghiên cứu, cô Anne Keefer, thạc sĩ khoa học tại FAU, cộng tác viên nghiên cứu trong dự án DigiDEM Bayern, giải thích: 9 trong số 14 nghiên cứu đã cho thấy mối tương quan tích cực giữa hoạt động tình nguyện và các chức năng của não như suy nghĩ, nhận thức, kỹ năng chú ý và khả năng ngôn ngữ, theo Medical Express.

Chuyên gia Anne Keefer cho biết: Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hoạt động tình nguyện có thể cải thiện khả năng nhận thức của các tình nguyện viên.

Phát hiện lợi ích bất ngờ cho người lớn tuổi khi làm việc tình nguyện - Ảnh 2.

Phụ nữ có thể hưởng lợi nhiều hơn từ hoạt động tình nguyện

SHUTTERSTOCK

Đồng tác giả, Giáo sư - tiến sĩ Peter Kolominsky-Rabas, nhà thần kinh học quản lý dự án digiDEM Bayern, cũng cho biết: Hoạt động tình nguyện thường xuyên hơn có tác động tích cực hơn đến sức khỏe nhận thức.

Chứng sa sút trí tuệ do nhiều yếu tố rủi ro gây ra. Và hoạt động tình nguyện giúp giảm 3 yếu tố rủi ro quan trọng nhất gây ra tình trạng này là cô lập xã hội, thiếu hoạt động thể chất và trầm cảm, chuyên gia Anne Keefer cho biết.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng hoạt động tình nguyện có tác động tích cực đến sức khỏe nhận thức của phụ nữ nhiều hơn. Điều này đặc biệt có lý bởi phụ nữ dễ mắc chứng mất trí nhớ hơn nam giới. Nghĩa là phụ nữ có thể hưởng lợi nhiều hơn từ hoạt động tình nguyện.

Hoạt động tình nguyện không chỉ giúp mọi người hòa nhập với xã hội mà còn giúp các tình nguyện viên hoạt động tích cực và có thể có tác động tích cực đến tâm trạng của họ, theo Medical Express.

Theo Thanh niên