1. Đặc điểm dược liệu của hạt muồng

Hạt muồng trong Đông y còn gọi là thảo quyết minh hoặc quyết minh tử. Tên khoa học là Cassia tora L.

Là loại cây nhỏ, thảo quyết minh cao 30-90cm, có khi cao tới 1,5m. Lá mọc so le, kép, xẻ lông chim, gồm 2-4 đôi lá chét. Quả giáp, hình trụ dài 12-14cm, rộng khoảng 4mm, trong chứa chừng 25 hạt, cũng hình trụ ngắn chừng 5-7mm, rộng 2,5-3mm, hai đầu vát chéo, trông hơi giống viên đá lửa, màu nâu nhạt, bóng.

Cần phân biệt cây thảo quyết minh (hạt muồng) với cây muồng trâu, còn gọi là "muồng truổng", thân mang nhiều gai lởm chởm, cành cũng nhiều gai thẳng đứng và ngắn; trong dân gian chủ yếu dùng chữa bệnh về da.

 
Công dụng của thảo quyết minh là gì? | Vinmec

Hạt muồng là dược liệu được sử dụng trong y học cổ truyền từ cây thảo quyết minh

Để dùng làm thuốc, quả muồng chín, hái về phơi khô, đập lấy hạt, đem sao nhỏ lửa, khi thấy có mùi thơm như cà phê, màu hạt vàng thẫm, thì bắc xuống tãi mỏng ra cho nguội. Trong một số trường hợp điều trị, có thể sao thật kỹ tới khi cháy đen thành than (sao tồn tính) để tăng cường hiệu quả trị liệu.

2. Công dụng của hạt muồng

Hạt muồng có vị ngọt, đắng, tính hơi lạnh, lợi vào 2 kinh Can và Đại tràng; chủ trị bệnh về mắt, bệnh gan và chứng táo bón ở người cao tuổi.

Theo Đông y, hạt muồng chủ yếu được sử dụng trong các trường hợp mắt đỏ sưng đau do phong nhiệt, quáng gà, mắt sinh màng mộng do can nhiệt (tạng Can nóng), đại tiện táo bón, lở ngứa ngoài da...

Những năm gần đây, các kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, ngoài tác dụng bảo vệ thần kinh thị giác, tăng cường thị lực, nhuận tràng... hạt muồng còn có một số tác dụng khác đối với hệ tim mạch và hệ miễn dịch, giúp hạ huyết áp, giảm mỡ máu, giảm béo, tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể.

Thảo quyết minh - Vị thuốc tuyệt vời điều trị bệnh mắt, táo bón

Hạt muồng được đưa vào sử dụng

3. Cách sử dụng hạt muồng giảm cân

Cách 1: Hạt muồng sao thơm, tán thành bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g, chiêu thuốc bằng nước sôi để nguội.

Hoặc dùng bài: Bột hạt muồng 25-30g cho vào phin cà phê, lọc qua nước sôi lấy nước uống trong ngày.

Cách 2: Hạt muồng và sơn tra - 2 vị lượng bằng nhau; tán nhỏ, trộn đều, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g hãm với nước sôi uống thay trà.

Cách 3: Hạt muồng (sao thơm) 10g, lá sen 8g, cát cánh 4g, cam thảo 4g; sắc nước uống như trà, uống trong ngày.

Cách 4: Hạt muồng, nhân trần, kim anh tử, cả 3 vị lượng bằng nhau. Tất cả phơi hoặc sấy khô, tán bột mịn, trộn đều. Ngày uống 2 lần, mỗi lần dùng 6g, hãm nước ấm, uống thay trà.

Cách 5: Hạt muồng, bồ hoàng, lượng bằng nhau. Hạt muồng sao thơm tán thành bột mịn, trộn đều với bồ hoàng. Ngày dùng 15-20g hãm với nước sôi, chia uống trong ngày.

Kiêng kị: Người đại tiện lỏng, huyết áp thấp khi sử dụng hạt muồng cần phối hợp với một số vị thuốc khác theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Theo suckhoedoisong.vn