Đây là kết quả được công bố trong hai nghiên cứu quy mô lớn trên tạp chí y khoa hàng đầu của Anh British Medical Journal (BMJ). Nghiên cứu được thực hiện trên người dân tại Mỹ và Italy.

Theo CNN, thực phẩm siêu chế biến được định nghĩa trong hai công trình trên gồm súp đóng gói sẵn, nước sốt, bánh pizza đông lạnh, đồ ăn bán sẵn, xúc xích, lạp xưởng, khoai tây chiên, nước ngọt, bánh ngọt, kẹo, bánh rán, kem và nhiều loại khác.

Giáo sư Marion Nestle, chuyên gia về dinh dưỡng, nghiên cứu thực phẩm và sức khỏe cộng đồng tại Đại học New York, Mỹ, người không tham gia vào hai phát hiện trên, đánh giá: “Hai nghiên cứu này tiếp tục củng cố cho quan điểm thực phẩm siêu chế biến có liên quan nguy cơ mắc bệnh mạn tính cao hơn".

Mối liên hệ với bệnh ung thư

Nghiên cứu tại Mỹ xem xét chế độ ăn của hơn 200.000 nam giới và phụ nữ trong 28 năm. Họ tìm thấy mối liên hệ giữa thực phẩm siêu chế biến với ung thư đại tràng. Đây là bệnh ung thư được chẩn đoán nhiều thứ 3 ở nam giới tại Mỹ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội Ung thư Mỹ và Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ, các loại thịt đã qua chế biến và siêu chế biến như giăm bông, thịt xông khói, xúc xích, salami, thịt bò khô... từ lâu có liên quan nguy cơ ung thư ruột cao hơn ở cả nam giới và phụ nữ.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy mọi loại thực phẩm siêu chế biến đều đóng vai trò nào đó ở mức độ nào đó với nguy cơ mắc bệnh này.

Nhà dịch tễ học ung thư Fang Fang Zhang, Đại học Tufts ở Boston, Mỹ, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi phát hiện đàn ông trong nhóm tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có nguy cơ cao nhất, cao hơn nhóm tiêu thụ loại thực phẩm này thấp nhất đến 29%"

leftcenterrightdel
Nghiên cứu mới phát hiện các thực phẩm siêu chế biến khiến nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng ở nam giới cao hơn 29%. Ảnh: Discover Magazine 

Tại sao nghiên cứu mới không tìm thấy nguy cơ tương tự với ung thư đại trực tràng ở phụ nữ? Ông Zhang nói: "Điều này chưa thể giải thích nhưng có thể nó liên quan đến một số yếu tố như bệnh béo phì, hormone sinh dục và hormone chuyển hóa ở nam giới so với phụ nữ".

Tiến sĩ Robin Mendelsohn, bác sĩ tiêu hóa tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering, New York, Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu, lại cho rằng phụ nữ có thể đã chọn thực phẩm chế biến lành mạnh hơn.

Nghiên cứu mới cũng phát hiện ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến từ sữa như sữa chua có thể giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng ở phụ nữ. Theo giáo sư Zhang, một số thực phẩm siêu chế biến tốt cho sức khỏe hơn như ngũ cốc nguyên hạt không hoặc ít đường, sữa chua và thực phẩm từ sữa.

Ngoài ra, phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn nếu họ ăn nhiều món chế biến sẵn như pizza. Song, đàn ông có nhiều nguy cơ bị ung thư ruột hơn nếu họ ăn nhiều thịt, gia cầm hoặc các sản phẩm chế biến sẵn từ hải sản và đồ uống có đường.

Bà Zhang nói thêm: “Người Mỹ tiêu thụ tỷ lệ lớn calo hàng ngày đến từ thực phẩm siêu chế biến, 58% ở người lớn và 67% ở trẻ em. Chúng ta nên xem xét việc thay thế thực phẩm siêu chế biến bằng thực phẩm chưa qua chế biến hoặc ít chế biến trong bữa ăn hàng ngày để ngăn ngừa ung thư, bệnh béo phì, tim mạch".

Nguy cơ gây chết sớm

Nghiên cứu thứ hai được thực hiện ở vùng Molise, Italy, theo dõi hơn 22.000 người trong hơn một thập kỷ. Nghiên cứu bắt đầu vào tháng 3/2005, nhằm đánh giá các yếu tố nguy cơ gây ung thư cũng như bệnh tim và não.

Các tác giả so sánh vai trò của thực phẩm nghèo dinh dưỡng như món ăn nhiều đường, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, so với thực phẩm siêu chế biến trong phát triển bệnh mạn tính, tử vong sớm. Họ phát hiện cả hai loại thực phẩm này đều làm tăng nguy cơ tử vong sớm, đặc biệt là do các bệnh tim mạch.

Trong đó, thực phẩm siêu chế biến là kẻ thù nguy hiểm nhất với tuổi thọ. Trên thực tế, hơn 80% thực phẩm được phân loại theo hướng dẫn trong nghiên cứu này đều không lành mạnh về mặt dinh dưỡng.

Theo nhà dịch tễ học Marialaura Bonaccio, thuộc IRCCS Neurologico Mediterraneo Neuromed ở Pozzilli, Italy, điều này "cho thấy nguy cơ tử vong không phải hoàn toàn trực tiếp do chất lượng dinh dưỡng kém ở một số thực phẩm mà là hầu hết chúng đều được chế biến nhiều lần"

leftcenterrightdel
Chế độ ăn nhiều rau xanh, đậu, trái cây và thực phẩm ít qua chế biến giúp giảm nguy hại cho sức khỏe. Ảnh: Healthline

Vì sao thực phẩm siêu chế biến lại có hại?

Theo Giáo sư Zhang, các loại thực phẩm chế biến quá kỹ này thường chứa nhiều đường và thêm muối, ít chất xơ, đầy các chất phụ gia hóa học như màu nhân tạo, chất tạo vị hoặc chất ổn định.

Trong khi đó, Giáo sư Mendelsohn cảnh báo: “Một số loại thực phẩm siêu chế biến có thể tốt cho sức khỏe hơn nhưng chúng tôi khuyên bạn tốt nhất nên tránh xa hoàn toàn khỏi các loại thực phẩm này và tập trung vào loại lành mạnh, chưa chế biến như trái cây, rau, các loại đậu".

Năm 2019, Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng so sánh giữa chế độ ăn đã chế biến và chưa chế biến. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người ăn kiêng với những món siêu chế biến ăn với tốc độ nhanh hơn và họ ăn thêm 500 calo mỗi ngày so với nhóm ăn thực phẩm chưa qua chế biến. Trung bình cả hai nhóm đều giảm 0,9 kg.

Điều này cho thấy thực phẩm siêu chế biến khiến chúng ta ăn nhiều hơn mà không nhận ra.

Giáo sư Marion Nestle chia sẻ: "Ảnh hưởng của thực phẩm siêu chế biến khá rõ. Chúng ta vẫn chưa biết nguyên nhân của những tác động này là gì. Sẽ rất tốt nếu biết lý do nhưng cho đến khi chúng tôi tìm ra, bạn nên ăn càng ít thực phẩm siêu chế biến càng tốt"

Theo Zingnews