Mô hình khối u được in 3D bằng hợp chất mô phỏng tế bào não. (Nguồn: timesofisrael)

 

Nhóm nhà nghiên cứu của Đại học Tel Aviv đã sử dụng các tế bào của bệnh nhân u não làm vật liệu in 3D và tạo ra mô hình của khối u để thử nghiệm tính hiệu quả của các phương pháp điều trị tiềm năng trước khi áp dụng vào thực tế.

Kết quả nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Science Advances ngày 18/8.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Ronit Satchi-Fainaro cho biết các nhà khoa học đã trích một phần khối u của bệnh nhân mắc u nguyên bào thần kinh đệm và sử dụng tế bào này để in mô hình khớp với các ảnh cộng hưởng từ (MRI) của họ.

Sau đó, các nhà nghiên cứu bơm máu của bệnh nhân qua mô hình khối u được in 3D bằng hợp chất mô phỏng tế bào não này và áp dụng phương pháp điều trị bằng thuốc hoặc liệu pháp.

Trong khi các nghiên cứu trước đó ứng dụng công nghệ in sinh học như trên để mô phỏng môi trường dẫn đến ung thư, các nhà khoa học của Đại học Tel Aviv cho biết họ là nhóm nghiên cứu đầu tiên in ra khối u “có thể phát triển được.”

Theo bà Satchi-Fainaro, các nhà khoa học cần 2 tuần để thử nghiệm tất cả các liệu pháp điều trị khác nhau và đánh giá hiệu quả của những liệu pháp này đối với khối u cụ thể, sau đó tìm ra phương pháp điều trị nào được dự báo là phù hợp nhất.

U nguyên bào thần kinh đệm của não là loại u não có tiên lượng xấu, tiến triển nhanh và rất ác tính.

Nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp sẽ dẫn đến diễn biến bệnh phức tạp, khó đoán và làm giảm thời gian sống thêm của người bệnh.

Theo Hiệp hội bác sỹ phẫu thuật thần kinh Mỹ, tỷ lệ sống sót ở người bệnh u nguyên bào thần kinh đệm là 40% trong năm đầu tiên và 17% vào năm thứ hai sau khi chẩn đoán.

Theo Vietnamplus