Đền Mariamman ở TPHCM có kiến trúc rất độc đáo

Tham dự buổi trao đổi trực tuyến có sự hiện diện của các diễn giả đến từ Việt Nam, Ấn Độ, trong đó có ngài Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, và nhiều sinh viên đến từ các trường đại học tại TPHCM cũng như các tỉnh như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp…

Tại sự kiện, giáo sư Amarjiva Lochan, Phó trưởng khoa Quan hệ quốc tế của trường Đại học Delhi (Ấn Độ), chia sẻ về văn hoá Ấn Độ sau ngày độc lập ở mặt đóng góp về văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá về nhiều mặt cũng như tính đơn giản, đa dạng, hai điểm nổi bật nhất trong văn hóa Ấn Độ.

Tiến sĩ Lê Thị Hằng Nga, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và châu Á, Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm KHXH VN, lại nhìn văn hóa, sự kết nối ở khía cạnh con người. Sự gắn kết đó được thể hiện từ trong lịch sử đến sự phát triển hiện tại, đặc biệt gần đây nhất là chuyến thăm của chính phủ Ấn Độ với Việt Nam vào năm 2018.

Tiến sĩ Lê Thị Hằng Nga đặt vấn đề làm sao để ngày càng gia tăng tính kết nối trong văn hoá giữa Việt Nam và Ấn Độ. Bà Lê Thị Hằng Nga kỳ vọng giới trẻ sẽ giúp cho mối quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Trong tiến trình lịch sử, văn hoá Ấn Độ đã lưu dấu cũng như có sự ảnh hưởng đến văn hoá Việt Nam. PGS.TS Đặng Văn Thắng, Bộ môn Khảo cổ học, trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TPHCM, đưa ra nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh các cuộc khai quật khảo cổ học gần đây và trùng tu các di tích của đạo Hindu ở Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam).

Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM tổ chức sự kiện trao đổi trực tuyến giao thoa văn hóa Việt Nam - Ấn Độ - Ảnh 1.

Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM tổ chức sự kiện trao đổi trực tuyến giao thoa văn hóa Việt Nam - Ấn Độ

Ngay tại TPHCM, văn hoá Ấn Độ vẫn còn hiện hữu thông qua một số công trình kiến trúc nổi tiếng như: đền Sri Thenday Yutthapani, đền Mariamman, đền Subramaniam Swamy…. Tất cả đều là những điểm du lịch nổi tiếng và thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Tại buổi trao đổi trực tuyến, tiến sĩ Phan Anh Tú, Giám đốc, Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM, đã có dịp trình bày về lịch sử hình thành, tên gọi, cũng như những điểm nổi bật trong kiến trúc của những địa điểm hấp dẫn này.

Tại sự kiện, các diễn giả cũng đã cung cấp một số trang web, sách cũng như một số địa điểm để sinh viên có thể tìm hiểu thêm về văn hoá Ấn Độ như: Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Viện thông tin Khoa học Xã hội…

N.A