Thai phụ được tư vấn kế hoạch hóa gia đình tại một phòng khám Likhaan ở Manila
Vào tháng 3/2020, Melody Fernandez nghỉ việc toàn thời gian với vai trò nhân viên bán đồ ăn nhanh tại một chuỗi nhà hàng. Vì vậy, cô đã bắt chuyến xe buýt dài 8 giờ từ Manila đến Camarines Sur để có kỳ nghỉ cùng chị gái. Nhưng ngay sau đó đất nước bị phong tỏa. Và giờ đây cô gái 22 tuổi đang có một em bé trong bụng.
Fernandez, người sẽ làm mẹ lần đầu tiên vào tháng 3/2021, là một trong số hàng triệu phụ nữ Philippines dự kiến sẽ sinh con trong năm nay và năm 2021. Theo Viện Dân số Philippines (UPPI) và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), 2,5 triệu ca mang thai ngoài kế hoạch dự kiến sẽ được ghi nhận ở nước này vào cuối năm - tăng 42% so với năm 2019.
Ngay cả trước đại dịch, chính phủ Philippines đã cố gắng điều chỉnh dân số. Vào đầu thiên niên kỷ, quốc gia này có 76 triệu người, nhưng đến năm 2015, dân số đã tăng gần 1/4 lên 100 triệu người, tương ứng với mức tăng dân số trung bình hàng năm là 1,6% - cao nhất ở Đông Nam Á.
Một biện pháp mang tính bước ngoặt vào năm 2012 là Luật Sức khỏe sinh sản, trong đó đưa ra chương trình kế hoạch hóa gia đình quốc gia toàn diện hơn, nhằm giảm tỷ lệ sinh. Nhưng sau nhiều năm, dường như những gì biện pháp giúp cải thiện không đáng kể.
Vỡ kế hoạch
Các biện pháp phong tỏa mở rộng đang đảo ngược những bước tiến nhỏ mà đất nước đã đạt được về giảm tốc độ gia tăng dân số. Bên cạnh sự gia tăng các trường hợp mang thai ngoài ý muốn, UPPI và UNFPA dự đoán mức tăng 67% về những trường hợp cần dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, dẫn đến 5,2 triệu phụ nữ không thể tiếp cận với biện pháp kiểm soát sinh sản cho đến tháng 12/2020.
Khi hệ thống chăm sóc sức khỏe đang gặp khó khăn khi đất nước đang đối mặt với COVID-19 vào giữa tháng 3, nhân viên chăm sóc sức khỏe từ các lĩnh vực khác nhau đã được kêu gọi phục vụ ở tuyến đầu. Điều này nghĩa là các y tá phục vụ trong hệ thống phòng khám kế hoạch hóa gia đình cũng được gọi để cung cấp dịch vụ chăm sóc COVID-19.
Risa Hontiveros, một nhà lập pháp đang thúc đẩy việc thông qua Đạo luật Phòng chống Mang thai ở tuổi vị thành niên, đã gọi hiện tượng này là “Sự cách ly của hệ thống chăm sóc sức khỏe”.
Mặt khác, Philippines vẫn có số lượng ca nhiễm COVID-19 cao nhất Đông Nam Á sau 7 tháng kể từ khi xảy ra đại dịch với hơn 350.000 trường hợp được ghi nhận, và hơn 6.000 ca tử vong tính đến ngày 17/10.
Tái kế hoạch hóa gia đình
Trong khi các biện pháp giãn cách cách xã hội đã phần nào giảm bớt ở hầu hết các vùng của đất nước, hệ thống cơ sở y tế kế hoạch hóa gia đình, chuyên gia y tế công cộng và các bên liên quan đang kêu gọi thực hiện các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiệu quả hơn và có tổ chức tốt hơn để làm chậm sự bùng nổ sinh nở.
Giống như nhiều ngành khác, lĩnh vực này đang xem xét công nghệ để cải thiện dịch vụ của mình, với giải pháp chính là y tế từ xa.
Tiến sĩ Diana Cajipe, nhân viên thông tin công cộng tại Bệnh viện Fabella Memorial do chính phủ điều hành, cho biết họ và các bệnh viện thuộc chính phủ khác hiện đang trong quá trình giới thiệu một giải pháp y tế từ xa cho các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, bao gồm việc cung cấp dịch vụ chăm sóc trước khi sinh và sau khi sinh điện thoại.
Tổ chức Kế hoạch hóa Gia đình của Philippines, có 16 phòng khám trên toàn quốc, cũng đã khai trương một phòng khám di động đến các vùng sâu vùng xa để phân phối các biện pháp tránh thai.
Ảnh hưởng kinh tế
Cách đất nước giải quyết tình trạng bùng nổ trẻ sơ sinh sẽ ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe của các cô gái trẻ và các bà mẹ, mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của đất nước. Khi Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia Philippines đề ra mục tiêu 5 năm từ 2017 nhằm tăng tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại lên 65%, họ muốn tạo ra một “cửa sổ nhân khẩu học”, trong đó “phần lớn dân số là nhóm trẻ, với sức khỏe tốt và có kỹ năng phù hợp để làm việc năng suất cao”.
Hontiveros - một nhà lập pháp - cho biết: “Những tác động tiêu cực đáng kể này đối với sức khỏe sinh sản và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc chắc chắn sẽ được truyền sang thế hệ tiếp theo. Điều đáng lo ngại là việc thiếu kiến thức và dịch vụ thiết yếu mà lẽ ra phải được cung cấp sớm có thể tạo ra khoảng cách bất bình đẳng rộng hơn, dẫn đến một chu kỳ đói nghèo giữa các thế hệ. Điều đó thật không công bằng với con cái chúng ta”.
Đối với Fernandez, hy vọng hiện tại của cô chỉ là sinh con an toàn: “Tôi biết việc sinh con sẽ khó khăn, nhưng tôi hy vọng mình sẽ chịu đựng được điều đó. Tôi chỉ muốn con tôi được an toàn và khỏe mạnh”.
Theo phunuonline