Nắng nóng gay gắt ở Philippines có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, gián đoạn nguồn cung cấp điện và nước cũng như đè nặng lên các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng cao cũng gây thiệt hại cho các em học sinh, cản trở nỗ lực của quốc gia Đông Nam Á này trong việc bắt kịp các nước láng giềng về giáo dục.
Chỉ số nhiệt độ đã lên tới 50 độ C ở nhiều khu vực khác nhau trên khắp Philippines, do hiện tượng thời tiết El Nino làm tăng thêm sức nóng bao trùm cả nước trong những tháng mùa Hè từ tháng Ba đến tháng Năm.
Theo Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế, học sinh Philippines đạt điểm thấp nhất thế giới về môn toán, khoa học và đọc, một phần là do việc phải học trực tuyến kéo dài trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Dữ liệu của Bộ Giáo dục Philippines cho thấy hàng nghìn trường học đã phải tạm dừng việc giảng dạy trực tiếp do nắng nóng, ảnh hưởng đến hơn 3,6 triệu học sinh.
Ông Xerxes Castro, cố vấn giáo dục cơ bản tại tổ chức Save the Children (Cứu trợ trẻ em) ở Philippines, cho biết trong tháng Năm dự kiến sẽ ghi nhận nhiều trường học phải tạm ngừng cho học sinh đến trường do các đợt nắng nóng.
Nắng nóng khắc nghiệt, một phần của đợt nắng nóng lan rộng khắp phần lớn Nam và Đông Nam Á, càng trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, khiến học sinh gặp khó khăn trong việc học tập cũng như tiếp thu kiến thức.
Theo tổ chức Save the Children Philippines, trẻ em đặc biệt dễ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt như chóng mặt, nôn và ngất xỉu khi tiếp xúc với nhiệt độ quá cao trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, các học sinh và giáo viên cũng bày tỏ lo ngại về những khó khăn trong việc dạy và học từ xa, đặc biệt là ở những khu vực nghèo hơn, nơi không gian học tập không được đảm bảo và kết nối Internet còn chập chờn.
Trong khi đó, Bangladesh ngày 28/4 cũng đã gia hạn cảnh báo nắng nóng, dự báo đợt nắng nóng đang diễn ra có thể kéo dài thêm 72 giờ nữa bắt đầu từ sáng cùng ngày.
Thông báo này tiếp nối 3 cảnh báo trước đó được đưa ra vào ngày 19/4, ngày 22/4 và ngày 25/4, trong bối cảnh Cục Khí tượng Bangladesh (BMD) tiếp tục theo dõi các kiểu thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến hầu hết các khu vực của nước này.
BMD cho rằng độ ẩm tăng cao là một yếu tố góp phần gây ra tình trạng nóng nực và oi bức kéo dài do nhiệt độ chạm ngưỡng 42 độ C ở nhiều nơi trên cả nước trong tháng này.
Nhà khí tượng học Omar Faruk tại Trung tâm Cảnh báo Bão của BMD cho biết nhiệt độ cao nhất ở Bangladesh được ghi nhận là 42,2 độ tại huyện Jashore, cách thủ đô Dhaka khoảng 164 km về phía Tây Nam.
Tại Dhaka, nhiệt độ đã tăng lên 39 độ C vào ngày 28/4.
Nắng nóng bắt đầu vào đầu tháng Tư, gây nguy hại cho sức khỏe người dân. Các chuyên gia đã cảnh báo rằng hàng triệu người có nguy cơ chịu ảnh hưởng do nắng nóng ở nước này, đồng thời cho rằng mùa Hè khắc nghiệt đến sớm có liên quan đến biến đổi khí hậu.
Để đối phó với nắng nóng gay gắt, Chính phủ Bangladesh đã chỉ đạo đóng cửa tất cả các trường học, cao đẳng trên cả nước từ ngày 21/4 đến ngày 27/4.
Các chuyên gia cảnh báo nắng nóng có thể tăng cường trong những năm tới do lượng mưa thất thường và nhiệt độ cao, gây ra mối đe dọa cho Bangladesh./.