leftcenterrightdel
 Chế độ ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt rất có lợi cho sức khỏe tim mạch và trao đổi chất.

Trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên The American Journal of Clinical Nutrition, các nhà nghiên cứu đã phân tích xem chế độ ăn giàu flavonoid có tác động tích cực đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) hay không.

Trong vài thập kỷ qua, tỷ lệ mắc gan nhiễm mỡ trên toàn cầu đã tăng 50%. Bệnh cũng có thể tiến triển thành các tình trạng nghiêm trọng hơn liên quan đến tình trạng viêm, xơ gan và cuối cùng là suy gan.

Các yếu tố như lối sống ít vận động và béo phì ảnh hưởng đến nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ.

Theo nhóm nghiên cứu, chế độ ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt rất có lợi cho sức khỏe tim mạch và trao đổi chất. Những chế độ ăn này giàu flavonoid. Đây là hợp chất hoạt tính sinh học có trong táo, quả mọng, trà, rượu vang đỏ và ca cao.

Các hợp chất này có nhiều dạng khác nhau và liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cũng như bệnh tim mạch. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc tuân theo chế độ ăn Địa Trung Hải có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.

Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học phát hiện, những bệnh nhân có chế độ ăn giàu flavonoid có khả năng mắc gan nhiễm mỡ ít hơn 19% so với bình thường.

Hơn nữa, việc tăng tiêu thụ trà và táo có liên quan đến nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ thấp hơn lần lượt là 14% và 22%.

Tuy nhiên, không có mối liên hệ đáng kể nào được tìm thấy giữa các loại thực phẩm giàu flavonoid khác như quả mọng hoặc rượu vang đỏ và nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.

Nhìn chung, các phát hiện cho thấy, chế độ ăn giàu flavonoid, đặc biệt là trong táo hoặc trà, có khả năng bảo vệ chống lại bệnh gan nhiễm mỡ, làm giảm mức độ viêm và chất béo trong gan.

Trong khi các loại thực phẩm như socola đen, ớt ngọt, táo và trà có liên quan đến mức chất béo trong gan thấp, thì những loại khác như nho và hành tây được phát hiện có liên quan đến tình trạng tích tụ mỡ ở gan cao hơn.

Theo giaoducthoidai