Bệnh gout tương đương với chứng thống phong trong Đông y. Nguyên nhân do chính khí suy yếu, tà khí thừa cơ xâm nhập cơ thể lưu lại ở kinh lạc, gân cơ, xương khớp làm cho khí huyết không vận hành được mà sinh ra bệnh.

1. Đặc điểm của bệnh gout

Các khớp sưng to, tấy đỏ gây đau nhức khó chịu cho người bệnh. Cơn đau có thể kéo dài 3-7 ngày. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân khi điều trị dứt cơn đau đều lãng quên, cho rằng đã khỏi bệnh mà không biết rằng, nếu không được tiếp tục phòng ngừa và điều trị, bệnh sẽ âm thầm tiến triển, các cơn đau sẽ xuất hiện trở lại và ngày càng nặng hơn. Ở giai đoạn muộn bệnh có thể xuất hiện những u, cục xung quanh khớp có nguy cơ gây biến dạng khớp.

Theo y học hiện đại, các yếu tố có nguy cơ gây bệnh bao gồm hội chứng chuyển hóa, thừa cân béo phì, tiền sử gia đình, bệnh thận, huyết áp cao, nghiện rượu hoặc do dùng một số loại thuốc.

 
photo-1697643841332
 

Các khớp sưng, nóng đỏ gây đau nhức khó chịu cho người bệnh.

2. Món ăn bài thuốc phòng bệnh gout tái phát

- Cháo nho tươi: Nho tươi 30g, gạo tẻ 50g nấu thành cháo ăn hàng ngày, dùng rất tốt trong giai đoạn cấp tính.

- Cháo phòng phong ý dĩ: Phòng phong 10g, ý dĩ 10g; nấu thành cháo, ngày ăn 1 lần, ăn liền trong 7-10 ngày.

- Cháo hạt dẻ: Hạt dẻ tán thành bột 30g, gạo nếp 50g nấu với 650 ml nước thành cháo ăn hàng ngày.

- Cháo xích tiểu đậu: Xích tiểu đậu (đậu đỏ hạt nhỏ) 30g, gạo tẻ 15g, đường vừa đủ; nấu đậu đỏ trước, khi đậu chín thì cho gạo vào nấu thành cháo, thêm chút đường vào cho vừa miệng.

- Cháo củ cải: Củ cải 300g thái chỉ đảo qua với 30g dầu thực vật rồi cho thêm 600 ml nước, 30g gạo tẻ nấu thành cháo, ăn hàng ngày.

- Cháo đào nhân: Đào nhân (nhân hạt đào) 15g, gạo tẻ 160g; trước hết đập hạt đào, lấy nhân bên trong, giã nhuyễn, thêm nước vào nghiền đều, chắt lấy nước cốt (bỏ bã), cho gạo vào nấu thành cháo.

- Cháo rau cần: Rau cần để nguyên cả rễ 100g (rửa sạch, thái nhỏ), gạo tẻ 40g; nấu thành cháo, thêm gia vị vào cho vừa miệng; mỗi ngày ăn 1 lần trong giai đoạn bệnh đang phát; có tác dụng thanh nhiệt, bình can, khư phong, lợi thấp. Có thể sử dụng để chữa bệnh gout giai đoạn đầu và phòng ngừa bệnh tái phát.

photo-1697643842429

Củ cải xào, cháo củ cải ngăn ngừa bệnh gout tái phát

- Củ cải xào: Củ cải 250g thái chỉ, dầu thực vật 50g. Củ cải rán qua với dầu rồi cho thêm bá tử nhân 30g, nước 500 ml đun chín, chế đủ gia vị, ăn trong ngày.

- Rau cải trắng xào: Rau cải trắng 250g xào với dầu thực vật 20g, ăn hàng ngày, thích hợp với giai đoạn điều trị củng cố.

- Măng tre xào: Măng tre 250g, xào với khoảng 30g dầu thực vật, thêm gia vị vào cho vừa miệng; mỗi ngày ăn 1 lần.

- Cà tím trộn dầu: cà tím 250 rửa sạch, luộc chín, thái thành miếng, cho thêm xì dầu, dầu vừng, muối và gia vị vừa đủ, trộn đều, ăn cách nhật.

- Khoai tây xào: Khoai tây 250g, dầu thực vật 30g. Rán khoai tây rồi trộn với xì dầu và gia vị, ăn trong ngày. Dùng rất tốt khi bệnh tái phát.

3. Phòng ngừa bệnh gout tái phát

Để làm giảm các triệu chứng và giúp ngăn ngừa các đợt tái phát của bệnh gout, người bệnh cần:

- Tránh ăn các thức ăn như: Tim, tụy, trứng cá trích, nước thịt cô đặc, thịt ức, gan, thận, thịt ngỗng, bồ câu, thịt dê, thịt bê, thịt lợn ướp muối...

Ăn ít thực phẩm như óc, lưỡi, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thịt vịt, tôm, lạc, các loại đỗ. Các món nội tạng như tim, gan, thận... mỗi tuần chỉ nên dùng 1-2 lần, mỗi lần không quá 80g. Để bổ sung chất đạm có thể dùng thêm sữa và thịt một số loài gia cầm.

- Tăng cường thải trừ acid uric, hàng ngày cần uống nhiều nước, bảo đảm lượng nước tiểu bài tiết hàng ngày từ 2 lít trở lên.

- Giảm hoặc ngưng hoàn toàn uống rượu bia giúp ngăn ngừa tái phát hoặc tiến triển của bệnh gout.

- Duy trì cân nặng ổn định, vì cân nặng hợp lý sẽ giúp giảm nồng độ acid uric, đồng thời cũng giảm bớt áp lực lên các khớp.

Nếu tình trạng tái phát bệnh gout cấp tính kéo dài, người bệnh nên đi khám chuyên khoa, trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn dùng thuốc giúp giảm các triệu chứng của bệnh và xác định phương hướng điều trị.

Theo suckhoedoisong.vn