Hạn chế chạm tay lên mặt để tránh lây nhiễm virus Corona - Ảnh minh họa: Shutterstock

Ba chuyên gia đến từ Đại học Nevada, Las Vegas (Mỹ): chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Brian Labus, nhà tâm lý học Stephen Benning, chuyên gia về phương pháp nghiên cứu Kimberly Barchard đã sử dụng chuyên môn lâm sàng và tài liệu nghiên cứu xác định cách tốt nhất để giảm bớt số lần chạm tay lên mặt, góp phần hạ thấp nguy cơ lây lan Covid-19, theo The Conversation.

Tại sao ta chạm tay lên mặt?

Nghiên cứu cho thấy, mọi người chạm tay vào mặt trung bình từ 9 đến 23 lần/giờ. Chúng ta lau mắt, gãi mũi, cắn móng tay, vê râu, cạy mụn… Ta chạm lên mặt nhiều hơn khi ta lo lắng, bối rối, căng thẳng.

Tay chạm mặt làm giảm những khó chịu nhất thời như ngứa và căng cơ. Những khó chịu này thường hết trong vòng một phút, nhưng chạm vào mặt mang lại sự thả lỏng tức thì, điều này dần dà biến nó thành một phản ứng theo thói quen, theo The Conversation.

Bước 1: Thay đổi hành vi thói quen

Chúng ta có thể đã đổi một số thói quen do dịch Covid-19. Ví dụ: ho vào khuỷu tay thay vì lòng bàn tay, chào nhau bằng cách cúi đầu, vẫy tay thay vì bắt tay. Nhưng chạm vào mặt thì khác, ta làm mà không nhận thức được việc đó. Vì vậy, bước đầu tiên trong việc giảm chạm tay lên mặt là nhận thức về nó.

Chú ý cách ta chạm tay vào mặt, sự thôi thúc hoặc cảm giác xảy ra trước đó, tình huống, thể lý và cảm xúc khi đó. Chúng ta có thể nhờ người khác nói cho biết những lần tay ta chạm mặt. Lập một bản ghi nhớ, mô tả ngắn gọn từng trường hợp chạm mặt, theo The Conversation.

Ví dụ: Gãi mũi bằng ngón tay, cảm thấy ngứa, khi ở bàn làm việc; Khóe mắt, mắt râm ran, bực bội; Cằm tựa vào lòng bàn tay, đau cổ, khi đọc sách… Tự giám sát sẽ hiệu quả hơn nếu mọi người chia sẻ công khai với bạn bè hoặc đăng lên mạng xã hội.

Bước 2: Tạo phản hồi mới

Khi đã nhận thức được hành vi muốn thay đổi, ta thay thế nó bằng một phản ứng chống lại các chuyển động cơ bắp cần thiết để tay chạm vào khuôn mặt.

Cụ thể, khi thấy muốn chạm vào mặt, có thể nắm chặt tay, ngồi lên tay, ấn lòng bàn tay lên đầu gối hoặc duỗi thẳng tay sang hai bên. Nên giữ vị trí này ít nhất một phút. Dùng nó chừng nào sự thôi thúc chạm vào khuôn mặt vẫn còn.

Cách thứ hai, để bàn tay bận rộn với thứ khác. Ví dụ: cầm bút, bóp bóng giảm căng thẳng (stress ball). Chú ý, những hoạt động tay này không nên có động tác đụng chạm vào bất kỳ phần nào ở trên đầu. Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả như phương pháp một, có lẽ vì mọi người có xu hướng chơi với đồ vật khi buồn chán, nhưng chạm vào mặt và tóc khi lo lắng, theo The Conversation.

Bước 3: Quản lý yếu tố kích hoạt tay chạm mặt

Thay đổi môi trường có thể làm giảm sự thôi thúc chạm tay vào mặt. Ghi nhật ký để tìm ra những tình huống hoặc cảm xúc có liên quan đến việc tay chạm mặt.

Ví dụ: Nếu cắn móng tay thì cắt ngắn, đeo băng đầu ngón hoặc đeo găng tay. Nếu mắc răng, ta đánh răng sau mỗi bữa ăn. Nếu tóc dính vào mắt và miệng, dùng thun, khăn buộc tóc lại…

Sau tất cả, tay vẫn chạm lên mặt thì phải làm sao?

Thật ra, hầu hết mọi người không thể bỏ hoàn toàn thói quen như vậy mà chỉ giảm bớt chúng. Vì thế, nhớ rửa tay với xà phòng trong 20 giây trước khi xỉa răng, đeo kính mắt, lau miệng, trang điểm, cạo râu… Tránh thức ăn cầm tay và dùng tay chưa rửa đưa thức ăn vào miệng, theo The Conversation.

Theo thanhnien