Phụ nữ dễ bị tác động bởi ô nhiễm nhựa hơn nam giới

Chuyên gia Rosalie Mann - Chủ tịch No More Plastic (Hội không dùng đồ nhựa) cho biết: “Ô nhiễm nhựa hiện là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ”. Một chu trình ô nhiễm nhựa bắt đầu từ trước khi một sản phẩm nhựa trở thành rác thải, bởi vì bất kỳ đồ nhựa nào cũng tạo ra các hạt vi nhựa trong suốt vòng đời của nó.

Bà Mann cảnh báo, giữa nhựa và tình trạng rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch có sự liên hệ rõ ràng, với sự gia tăng các bệnh mạn tính, tim mạch, ung thư và thậm chí là vô sinh. Nhựa không chỉ gây ô nhiễm trái đất, mà còn làm ô nhiễm máu và gây hại cho cơ thể con người.

Một số sản phẩm làm đẹp có thể chứa các hạt vi nhựa - Ảnh: Réalisation
Một số sản phẩm làm đẹp có thể chứa các hạt vi nhựa - Ảnh: Réalisation
 

Phụ nữ dễ bị tổn thương hơn về mặt sinh học trước ô nhiễm nhựa

Bà Rosalie Mann giải thích: “Cơ thể phụ nữ hấp thụ chất độc từ hóa chất trong nhựa dễ dàng hơn, vì tỉ lệ estrogen trên cơ thể phụ nữ cao hơn nam giới, cơ thể phụ nữ nhạy cảm hơn đối với một số chất gây rối loạn nội tiết trong nhựa”.

Chất độc tích tụ ở những vùng có nhiều chất béo trên cơ thể nữ giới như ngực, mông, hông và đùi, đặc biệt trong giai đoạn dậy thì, kinh nguyệt, mang thai, cho con bú và mãn kinh, nghĩa là hơn một nửa cuộc đời của người phụ nữ.

Chất độc từ nhựa góp phần gây vô sinh, ung thư vú, ung thư ruột kết, các bệnh mạn tính như viêm đường ruột và lạc nội mạc tử cung. Chất gây rối loạn nội tiết trong nhựa còn thúc đẩy bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh thần kinh, dậy thì sớm và dị tật bẩm sinh. Ngoài ra, còn có lo ngại về rủi ro từ nhựa đối với thai nhi trong bụng mẹ.  

Phụ nữ cần cảnh giác với các sản phẩm làm từ nhựa

Bà Mann cho biết: “Trước áp lực phải giữ mình trẻ trung và xinh đẹp, phụ nữ sử dụng kem, đồ trang điểm và sơn móng tay hàng ngày”. Một số thương hiệu mỹ phẩm cố tình thêm vi nhựa vào công thức các sản phẩm làm đẹp và vệ sinh. Cụ thể, trong chất tẩy tế bào chết trên mặt và cơ thể, cũng như đồ trang điểm, sơn móng tay, kem chống nắng và chất khử mùi đều có hạt vi nhựa.

Theo bà Mann, khoảng 83% kem chống nắng, 80% nước rửa tay, 71% dầu gội đầu và 61% kem bôi mặt có chứa hạt vi nhựa, có thể xác định được thông qua các thuật ngữ như polyetylen, polypropylen hoặc polyetylen terephthalate.

Bà Mann cho biết thêm: “Băng vệ sinh chứa 6% thành phần nhựa, riêng miếng lót có thể chứa tới 90% nhựa. Một nghiên cứu ở Pháp cho thấy, trung bình, một phụ nữ nước này sử dụng từ 12.000 đến 15.000 sản phẩm vệ sinh trong suốt cuộc đời. Theo một nghiên cứu vào năm 2022, ước tính trung bình có 9,4 tỉ sợi nhựa nano thoát ra từ băng vệ sinh, nghĩa là trung bình 86.000 tỉ sợi trong suốt thời gian sử dụng”.

Trang phục làm từ chất liệu tổng hợp cũng chứa hạt vi nhựa, và những hạt này có thể hấp thụ vào cơ thể thông qua các lỗ chân lông. “Chúng ta có thể chọn không mua vải tổng hợp, không chỉ vì sức khỏe mà còn giúp giảm ô nhiễm nhựa” - bà Mann khuyên.

Cuối cùng, bà nhắc lại mục tiêu sử dụng các sản phẩm 100% nhựa tái chế vào năm 2040, hoặc “chúng ta phải trả giá bằng sức khỏe của chính mình và đặc biệt là sức khỏe của phụ nữ cũng như những đứa trẻ họ sinh ra”.

Theo phụ nữ TPHCM