Những ngày đầu năm mới, khi Tina từ New Zealand trở về Trung Quốc ăn tết cùng gia đình, cô đã không vui khi thường xuyên bị hỏi “bạn đã kết hôn chưa?” hoặc “đã có đứa con nào chưa?”. Là một phụ nữ thành đạt ngoài 40 tuổi, Tina biết rằng ở nhiều nước châu Á, các câu hỏi về tình trạng hôn nhân và con cái được xem là “bình thường”. Nhưng đối với Tina, người đã sống ở New Zealand hơn 10 năm, những câu hỏi này khiến cô không thoải mái.

leftcenterrightdel
 Áp lực xã hội về việc sinh con là một sự bất bình đẳng mà phụ nữ đang phải gánh chịu - Nguồn ảnh: iStock/SunnyVMD

“Nó giống như lời nhắc nhở thường xuyên rằng chúng tôi không hoàn hảo hoặc chúng ta thiếu thứ gì đó vì chưa có con. Tôi biết họ là những người tử tế và tốt bụng. Câu hỏi của họ không có ý gây hại, nhưng sau một thời gian, tôi cảm thấy không thoải mái” - Tina nói cô cảm giác đó là sự kỳ thị đối với phụ nữ chưa kết hôn và không có con.

Tina không phải người duy nhất cảm thấy như vậy. Theo một nghiên cứu lớn ở Anh và nhiều nước trên thế giới, áp lực về việc có con trở nên căng thẳng hơn khi phụ nữ ngày càng sinh con ở độ tuổi lớn hơn. Theo thống kê năm 2022, độ tuổi trung bình có con ở phụ nữ châu Âu và Nhật Bản là trên 30 tuổi. Tại Hàn Quốc - quốc gia có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới - độ tuổi sinh con đầu lòng trung bình là trên 33 tuổi. So sánh con số này với năm 2017, độ tuổi trung bình sinh con đầu lòng đã tăng từ 4-5 tuổi.

“Nếu bạn ở độ tuổi khoảng 30, nhất là khi đang có người yêu thì thế nào cũng sẽ bị hỏi khi nào sinh con. Rõ ràng, trong bất kỳ xã hội nào, phụ nữ cuối cùng cũng sẽ bị kỳ vọng trở thành mẹ” - Abigail Locke - giáo sư Đại học Keele (Vương quốc Anh) - nói. Theo nữ giáo sư, nhiều phụ nữ cảm thấy bị áp lực chuyện sinh con từ chính… cha mẹ mình, vì họ mong có cháu. “Làm cha mẹ như quỹ đạo cuộc sống đã mặc định và những áp lực ngày càng căng thẳng theo độ tuổi. Phụ nữ ngày nay bị cho là ích kỷ khi lựa chọn làm mẹ ở độ tuổi lớn hơn và bị mang tiếng là gây nguy hiểm cho sức khỏe của con do tuổi mẹ ngày càng cao” - bà Abigail Locke nói thêm. 

Dù các khảo sát cho thấy phụ nữ trì hoãn việc làm mẹ ở độ tuổi 30 vì vô số lý do, bao gồm cả việc lập nghiệp, không tìm thấy người yêu, người chồng phù hợp hoặc cảm thấy chưa sẵn sàng. Thế nhưng, dù trong hoàn cảnh nào, phụ nữ vẫn bị đối xử bất công trong việc sinh con. Theo thống kê, đàn ông cũng đang già hơn khi có con đầu lòng. Thậm chí, họ vẫn có thể tiếp tục làm cha ở độ tuổi muộn hơn như 50-60 chẳng hạn, nhưng họ không phải đối mặt với áp lực xã hội hoặc thời gian như phụ nữ trong việc sinh con.

“Nuôi dạy con cái là công việc khó khăn, tốn thời gian và tài chính; đồng thời văn hóa làm việc của nhiều quốc gia không được thiết lập để hỗ trợ cha mẹ. Các bà mẹ thường phải giảm bớt giờ làm việc được trả lương của mình để chăm sóc trẻ khi em bé chào đời. Dù rằng ngày nay nhiều ông bố cũng đã chia sẻ việc nuôi dạy, chăm sóc con cái, nhưng phụ nữ vẫn đảm nhiệm vai trò chính” - bà Abigail Locke nói.

Phụ nữ và nam giới có quyền lựa chọn về việc có nên trở thành cha mẹ hay không. Nhưng bỏ qua áp lực xã hội được hay không mới là vấn đề. Theo nghiên cứu của giáo sư Rebecca Harrington (Mỹ), những phụ nữ quyết định không có con thường bị kỳ thị. Họ được cho là đang đi ngược lại truyền thống - phụ nữ phải sinh con và nuôi con.

Hyeyoung Woo - giáo sư xã hội học chuyên nghiên cứu về các gia đình ở Hàn Quốc - cho biết, hiện nay tại Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như nhiều nước trên thế giới đang khuyến khích phụ nữ sinh con. Theo bà, việc tập trung vào việc khuyến khích kết hôn, sinh con thông qua các phúc lợi về nhà ở, thuế, chăm sóc trẻ em và nghỉ phép dài ngày cho cha mẹ là điều cần thiết. Bên cạnh đó, cũng cần giúp đỡ những người độc thân và các cặp đồng giới nếu họ muốn có con.

Theo phụ nữ TPHCM