Quan điểm trước đây cho rằng việc đeo kính có độ cận thấp hơn độ cận thực tế sẽ tốt cho mắt trong quá trình kiểm soát tiến triển cận thị, liệu quan điểm này có còn đúng đắn? 

So sánh sự khác nhau giữa 2 quan điểm đeo kính đúng số?

Trao đổi về vấn đề này, BS. Hoàng Thanh Nga – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho hay, quan điểm đeo kính hạ thấp độ hơn không giúp giải quyết được tình trạng tiến triển cận thị mà làm cho trải nghiệm thị giác của trẻ kém hơn, nhìn không rõ, đeo kính nhưng vẫn cố nheo mắt để nhìn. Vì vậy, y học ngày nay khuyến cáo đeo kính đủ độ khúc xạ để có thị lực tốt hơn, không ảnh hưởng đến sinh hoạt và kết quả học tập của trẻ. Ngoài ra, một số nghiên cứu lâm sàng trên thế giới cũng đã chứng minh việc đeo kính hạ thấp độ hơn thậm chí còn làm tăng nhanh tiến triển cận của trẻ so với đeo kính đúng số.

Đeo kính sai độ hay không đeo kính khi mắc cận thị sẽ kích thích mắt điều tiết nhiều hơn từ đó kích thích chiều dài trục nhãn cầu tăng nhanh dẫn đến tăng độ nhanh chóng.

Nếu trẻ có dấu hiệu của cận thị và cận thị tiến triển, gia đình cần đưa trẻ đến khám mắt ở các cơ sở y tế uy tín để được kê đơn kính đúng độ và tư vấn phương pháp kiểm soát cận thị phù hợp.

photo-1665041548061
 

Quan điểm đeo kính sai số đã không còn phù hợp

Phương pháp đeo kính hạn chế khả năng tăng độ cận

Hiện nay, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Viện Cận thị Thế giới, trẻ em cần được đeo kính đúng số theo độ đo khúc xạ với liệt điều tiết tối ưu. Ngoài ra, việc đeo kính được duy trì liên tục trong ngày, ngoại trừ khi tắm và khi ngủ. Việc đeo kính cần có sự khám và tư vấn của chuyên gia để có thể chọn lựa loại kính và độ cận phù hợp.

Bên cạnh đó, với những trường hợp cận thị nhẹ dưới 0,75 độ thì không cần phải đeo kính thường xuyên, còn ở ngưỡng 1 - 2 độ thì chỉ nên đeo khi cần nhìn mọi vật ở xa, hạn chế sự điều tiết của mắt.

photo-1665041551587
 

Đeo kính đúng số giúp hạn chế khả năng tăng độ cận

Sử dụng kính áp tròng thế nào với mắt cận thị?

Để thuận tiện cho công việc và nâng cao tính thẩm mỹ, nhiều người bệnh hiện nay đã lựa chọn kính áp tròng có độ cận thay cho kính cận đeo hàng ngày. Đi kèm với những ưu thế mới, người sử dụng loại kính này cũng cần chú ý để không ảnh hưởng đến sức khỏe thị lực.

BS. Hoàng Thanh Nga – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: Kính áp tròng là loại kính tiếp xúc trực tiếp bề mặt kết mạc, giác mạc, mi mắt với hai loại thiết kế chính: kính áp tròng cứng và kính áp tròng mềm. Vì vậy, khi sử dụng kính áp tròng, người dùng cần tuân thủ nguyên tắc vệ sinh chặt chẽ để tránh gây ra các tình trạng viêm nhiễm:

- Vệ sinh tay sạch bằng xà phòng và lau khô trước khi mở kính và mang kính

- Vệ sinh kính cẩn thận 2-3 lần bằng dung dịch vệ sinh kính đặc hiệu cho loại kính đó

- Không sử dụng nước máy để vệ sinh kính và các dụng cụ đi kèm

- Ngâm kính bằng dung dịch ngâm đặc hiệu và không sử dụng lại nước ngâm cũ

- Thay nước ngâm kính hằng ngày

- Tráng qua bằng NaCL 0.9% các dụng cụ, hộp đựng và kính trước khi sử dụng

- Có bất thường như đau đỏ mắt, khó chịu cần dừng kính ngay lập tức và đến khám bác sĩ để xử trí kịp thời.

BS. Hoàng Thanh Nga nhấn mạnh, khi có dấu hiệu của cận thị và cận thị tiến triển, cần đến cơ sở uy tín để khám, đo độ cận và lựa chọn loại kính phù hợp, tránh tình trạng đeo kính sai độ, kính không đủ tiêu chuẩn chất lượng dẫn đến những hệ quả về sau của mắt.

Theo suckhoedoisong.vn