|
|
Nhiều người Hàn Quốc thiếu ngủ. Ảnh minh họa: iStock |
Insider gọi Hàn Quốc là quốc gia mất ngủ nhất và mệt mỏi nhất châu Á. Theo Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia Hàn Quốc, số bệnh nhân tìm cách điều trị chứng rối loạn giấc ngủ đạt 381.403 người vào năm 2021 - thời điểm bị phong tỏa do dịch Covid-19 - tăng 18% so với năm 2017. Năm 2022, con số ước tính là khoảng nửa triệu người.
Con số này cũng tăng ở tất cả nhóm tuổi, mức tăng mạnh nhất ở những người độ tuổi 20 với 34%, theo Chosun Ilbo.
Sau 50 tuổi, chứng mất ngủ thường được cho là do các nguyên nhân tự nhiên như thay đổi nội tiết tố. Tuy nhiên, khi bệnh nhân còn trẻ, khả năng do các yếu tố bên ngoài như căng thẳng, uống quá nhiều cà phê và sử dụng các thiết bị điện tử tần suất cao.
"Áp lực học hơn 12 tiếng mỗi ngày khiến tôi khó ngủ. Tôi phải bật video có tiếng sóng biển hoặc tiếng mưa rơi hay xem những clip được cho giúp ích cho giấc ngủ để khá hơn", một sinh viên 23 tuổi đang chuẩn bị cho kỳ thi cho hay.
Sau mâu thuẫn với phụ huynh học sinh vào năm 2022, một giáo viên 43 tuổi ở tỉnh Gyeonggi đã phải đến gặp bác sĩ tâm lý vì bị căng thẳng cấp tính và mất ngủ.
Một lý do khác gây nên tình trạng mất ngủ ở xứ củ sâm là văn hóa làm việc quá sức. Người Hàn Quốc làm việc 1.967 giờ/năm vào 2019, nhiều hơn 241 giờ so với mức trung bình 1.726 giờ của OECD. Các dịch vụ luôn sẵn sàng cung cấp cả vào đêm muộn cũng góp phần khiến nhiều người thức khuya hơn.
Số lượng người thiếu ngủ tăng lên cũng mở ra cơ hội kinh doanh các dịch vụ hỗ trợ giấc ngủ ở Hàn Quốc. Từ các nhà sản xuất gối, đệm, giường ngủ cho đến các “ông lớn” công nghệ như Apple và Samsung đều giới thiệu các sản phẩm giúp khách hàng vào giấc dễ dàng và ngủ sâu. Các thiết bị hiện đại còn có công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp chẩn đoán và điều trị chứng mất ngủ.
Miếng che mắt massage, gối thông minh hay chăn sưởi tự động điều chỉnh nhiệt độ cũng bán rất chạy. Các nhà thuốc tại Seoul cũng bán nhiều loại thuốc bổ, thuốc ngủ từ thảo dược phục vụ người thiếu ngủ.
|
|
Ngày càng nhiều người dân xứ củ sâm gặp vấn đề về giấc ngủ, nhất là người trẻ. Ảnh: Park Ga-young/The Korea Herald |
Một trong những điều nhiều người quan tâm từ tình trạng thiếu ngủ là việc lạm dụng và có khả năng nghiện dùng thuốc ngủ. Hầu hết loại thuốc ngủ do bệnh viện kê đơn có thể dẫn đến nghiện và các tác dụng phụ.
Ví dụ, việc kê đơn thuốc Zolpidem đã tăng lên 158 triệu viên vào năm 2021, tương đương 87 viên cho mỗi bệnh nhân, tăng gần 10% kể từ năm 2019.
"Không giống như các thế hệ khác, bệnh nhân ở độ tuổi 20 và 30 có xu hướng yêu cầu được kê đơn thuốc ngủ. Tìm kiếm sự trợ giúp y tế để điều trị chứng mất ngủ là điều tốt, nhưng thuốc chỉ nên dùng trong những trường hợp cấp tính", một bác sĩ tâm lý ở tỉnh Gyeonggi cho biết.
Thay vào đó, mọi người nên thử những cách khác trước, từ việc tắt điện thoại di động một thời gian trước khi đi ngủ đến thay đổi chế độ ăn kiêng hay uống ít rượu, cà phê hơn.
Theo zingnews