Tụi cháu học cùng lớp Mười hai, mẹ bạn ấy làm quen với mẹ cháu qua mấy kỳ họp phụ huynh học sinh và 2 bà mẹ có vẻ mến nhau. Mới đây, gia đình bạn có ý mời cháu qua nhà chơi nhưng thực chất là ra mắt họ hàng. Cháu rất lúng túng bởi tuy chơi thân, cảm mến bạn ấy và cũng biết tình cảm bạn ấy dành cho mình nhưng cháu còn đang đi học. Mẹ cháu khuyên nên nuôi dưỡng mối quan hệ từ bây giờ, trước hết là được một người bạn tốt, sau nữa nếu hợp thì trở thành người yêu.
Cháu không biết nên đến nhà bạn ấy thế nào cho hiệu quả.
(TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Ngày ra mắt gia đình bạn trai thường được xem là cột mốc đánh dấu cho sự trưởng thành và nghiêm túc trong mối quan hệ của đôi bạn. Các cháu đang học năm cuối bậc phổ thông, tương lai còn rộng mở phía trước, thế nên “thang điểm” của “ban giám khảo” có lẽ chỉ ở mức “chấm điểm” hình thức và đánh giá sự giáo dưỡng của đối tượng xem mắt: có biết cư xử đàng hoàng không, có giữ quy tắc nơi công cộng không, có lịch sự không, có biết trước biết sau hay không…
Nếu suôn sẻ sẽ khiến bạn trai thêm trân trọng và muốn giữ một người con gái hiểu chuyện, khéo léo và tinh tế bên mình.
Khi bạn trai ngỏ ý muốn đưa cháu về ra mắt cha mẹ, thay vì “tim đập, chân run”, cháu nên tự hỏi mình đã thực sự sẵn sàng hay chưa. Một khi nhận lời, hãy chuẩn bị tâm lý thật tự tin và thoải mái, đảm bảo rằng sự xuất hiện của cháu sẽ được mọi người chào đón.
Trước đó, cháu nên tạo thiện cảm từ mạng xã hội đến ngoài đời: sàng lọc những nội dung nhảm, tiêu cực hoặc nhạy cảm trên trang cá nhân; đăng bài, đưa hình ảnh mang nội dung tích cực, tươi vui, bổ ích. Tìm hiểu về gia đình bạn trước khi đến thăm: một vài sở thích, tính cách của người nhà để có cách ứng xử phù hợp với hoàn cảnh, nếp nhà.
- Chọn trang phục lịch sự, trang nhã để vừa mắt người lớn. Đầu tóc, trang điểm nhẹ nhàng, giày dép gọn ghẽ, sao cho hài hòa với nghề nghiệp và truyền thống của gia đình bạn trai (nhà giáo, làm nghệ thuật, doanh nhân…).
- Nên tặng những món quà thông dụng trong lần đầu đến thăm nhà như bánh, trái cây, hoa, trà, đặc sản quê hương… Tránh những món quà xa xỉ hoặc quá mắc tiền làm người nhận khó xử.
- Đừng để gia chủ phải chờ đợi, hãy đến sớm một chút, thậm chí nên phụ giúp chuẩn bị thức ăn. Cháu có thể nhân lúc này trò chuyện về chủ đề liên quan đến nấu nướng. Tuy nhiên, hãy lắng nghe, làm theo ý “bếp trưởng” và đừng tỏ ra mình “biết tuốt”.
- Lưu ý về cách xưng hô khi ra mắt gia đình bạn trai nhằm tạo được sự thân thiện, gần gũi nhưng vẫn lễ phép. Trước mặt phụ huynh, đừng thể hiện tình cảm với bạn thiếu ý tứ, cũng không nên “sai bảo” con trai họ, nhõng nhẽo hay giận hờn. Không tự tiện mở tủ lạnh/điều hòa/ăn uống “tự nhiên như ở nhà” nhưng cũng đừng quá khách sáo, kiểu cách, tỏ vẻ tiểu thư xa cách. Không nhắn tin, gọi điện trong bữa cơm, nên để điện thoại ở chế độ im lặng hoặc rung. Tránh lôi chủ đề chính trị, tôn giáo ra tranh luận.
- Ra về vui vẻ và đúng lúc, dù mẹ bạn ấy giữ cháu ở lại chơi thêm cũng nên khéo léo từ chối. Lễ phép chào tạm biệt, cảm ơn gia đình đã dành thời gian đón tiếp mình và bày tỏ mong muốn đến chơi lần sau.
Cháu là khách, lại là khách lần đầu đến nhà nên cần ý nhị, đúng mực và tự trọng. Chuyện rửa chén không lớn nhưng nếu “ban giám khảo” coi đó như bài kiểm tra nhân cách và kỹ năng làm dâu, cháu hãy quan sát và quyết định: nếu có ít chén dĩa thì việc đó không quá quan trọng. Nếu có quá nhiều, cháu có thể phụ rửa cùng mẹ bạn hoặc những phụ nữ khác trong nhà. Đây cũng là khoảng thời gian để 2 bên tâm sự. Nếu nhà bạn trai cố tình đùn đẩy việc dọn dẹp, rửa chén cho cháu và coi đó là nghĩa vụ thì lúc đó cháu mới cần lên tiếng một cách lịch sự.
Nên nhớ, cháu chuẩn bị chu đáo để sự hiện diện của mình ở nhà bạn trai đẹp hơn chứ không phải tạo ra một hình ảnh “ảo” khác cháu hoàn toàn. Chúc cháu có cuộc ra mắt “điểm 10 cho chất lượng”!
Theo phụ nữ TPHCM