Rối loạn thần kinh thực vật là sự mất cân bằng của hai hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Hệ thần kinh tự chủ của con người gồm hệ thần kinh giao cảm và phó cảm được phân bố đến toàn bộ sợi trục thần kinh và các cơ quan trong cơ thể.

Hệ thần kinh giao cảm và phó cảm tuy hoạt động đối lập nhưng lại cân bằng với nhau giúp điều hòa hoạt động của hệ tim mạch (huyết áp, nhịp tim), hệ tiêu hóa, niệu dục, hệ thần kinh, điều hòa tiết mồ hôi, cơ vòng, thân nhiệt. Đây là bệnh lý ngày càng phổ biến tuy không gây tử vong nhưng lại gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.

1. Nguyên nhân rối loạn thần kinh thực vật

Có nhiều nguyên nhân gây nên rối loạn thần kinh thực vật. Bên cạnh nguyên nhân rối loạn di truyền còn phải kể đến một số nguyên nhân khác như:

  • Các bệnh lý tự miễn: lupus ban đỏ, hội chứng Sjogren, viêm đa khớp dạng thấp
  • Hệ miễn dịch tấn công cơ thể do một số bệnh lý ung thư (hội chứng cận ung thư)
  • Tổn thương dây thần kinh khi xạ trị, phẫu thuật vùng cổ.
  • Người đồng mắc các bệnh lý làm biến đổi chức năng của các cơ quan chi phối hoặc biến đổi do mắc các bệnh đái tháo đường, Parkinson, bệnh truyền nhiễm… lâu dần có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể.
  • Tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc rối loạn thần kinh thực vật
Rối loạn thần kinh thực vật: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị- Ảnh 1.
 

Mỗi người bệnh rối loạn thần kinh thực vật lại có những biểu hiện khác nhau như chóng mặt, hồi hộp, khó thở...

2. Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật

Tùy vào mức độ bệnh lý ở mỗi bệnh nhân rối loạn thần kinh thực vật lại có những biểu hiện khác nhau từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng cũng rất phong phú, một số triệu chứng thường gặp là:

  • Hồi hộp, đánh trống ngực: Đây là triệu chứng dễ gặp nhất, người bệnh cảm thấy hồi hộp, nhịp tim nhanh bất thường.
  • Khó thở: Người bệnh thấy khó thở, thở hụt hơi, khi thở cần phải dùng nhiều sức hoặc hít thở sâu mới thấy dễ chịu hơn. Tình trạng này có thể tăng lên khi ở nơi đông người, ồn ào
  • Đau ngực: Người bệnh có cảm giác đau, nóng rát ở vùng ngực, có thể đau nhói hoặc đau thắt ngực.
  • Chóng mặt: cảm giác chóng váng hoặc đứng không vững, cơ thể lả đi
  • Tăng thông khí: Ban đầu người bệnh thấy tê cứng và ngứa ở xung quanh miệng, sau đó cảm giác lo âu, hoảng hốt, thở gấp và dễ gặp tình trạng ngất.
  • Run tay run chân và đổ mồ hôi: Xuất hiện cùng lúc với tình trạng tim đập nhanh
  • Mệt mỏi: Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, uể oải.
  • Mất ngủ: Do thường xuyên ở trong tình trạng lo lắng lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.
  • Rối loạn tiêu hóa: đầy hơi, ợ nóng, tiêu chảy kéo dài,
  • Rối loạn tiết niệu: bí tiểu, tiểu không tự chủ, hay tiểu đêm, nhiễm khuẩn đường tiết niệu…
  • Bên cạnh đó có thể gặp một số dấu hiệu như: giảm ham muốn tình dục, rụng tóc, da khô, rối loạn kinh nguyệt…

Khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường nào người bệnh cần đến các cơ sở y tế để bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chẩn đoán.

3. Rối loạn thần kinh thực vật có lây không?

Rối loạn thần kinh thực vật không phải là bệnh lý lây nhiễm 

Rối loạn thần kinh thực vật: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị- Ảnh 2.

Do thường xuyên ở trong tình trạng lo lắng lâu ngày, người bị rối loạn thần kinh thực vật có thể sẽ bị ảnh hưởng đến giấc ngủ, khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.

4. Phòng ngừa rối loạn thần kinh thực vật

Không có cách nào để phòng ngừa hoàn toàn rối loạn thần kinh thực vật. Mọi người chỉ có thể phòng ngừa bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ.

  • Duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học bằng cách bổ sung nhiều rau xanh, trái cây hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhiều gia vị, nên chọn chế độ ăn nhạt và hạn chế đồ ăn nhiều đường.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao và lựa chọn các môn thể dục phù hợp với thể trạng bản thân.
  • Giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan, tránh xa stress căng thẳng trong cuộc sống, có thời gian nghỉ ngơi thư giãn hợp lý.
  • Nếu có các bệnh lý nền cần tuân thủ điều trị và thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý hoặc thăm khám ngay khi cơ thể có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường.

5. Điều trị rối loạn thần kinh thực vật

Đôi khi các triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật khiến người bệnh lầm tưởng với các bệnh lý khác dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị bệnh gặp khó khăn. Rối loạn thần kinh thực vật kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Để điều trị rối loạn thần kinh thực vật, các bác sĩ sẽ dựa trên nguyên nhân và triệu chứng người bệnh gặp phải.

Có 2 phương pháp chính để điều trị rối loạn thần kinh thực vật là nội khoa và ngoại khoa. Bên cạnh việc dùng một số loại thuốc như: thuốc canxi, thuốc an thần… Người bệnh có thể kết hợp thêm một số phương pháp như: châm cứu, tắm nóng/lạnh. Ngoài ra cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt hàng ngày để việc điều trị hiệu quả hơn bằng cách:

  • Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hạn chế ăn nhiều muối, nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, tránh thay đổi tư thế đột ngột.
  • Tránh xa căng thẳng, stress, cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý để duy trì tinh thần lạc quan.
  • Thường xuyên tập thể dục, lựa chọn các môn thể dục vừa phải với thể trạng.
  • Tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc hoặc dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị. Khi có dấu hiệu bất thường cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời.

Theo suckhoedoisong.vn