Các nhà nghiên cứu ở Anh cho biết, phát hiện của họ chỉ ra rằng các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần hay phòng khám nên nhắm mục tiêu đánh giá nguy cơ tự tử cho những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh sa sút trí tuệ trước 65 tuổi.
Các chuyên gia cho biết thêm, nhận biết sớm và chẩn đoán chính xác kịp thời chứng sa sút trí tuệ, kết hợp với sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa là những yếu tố quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng đau khổ cho bệnh nhân.
|
Những bệnh nhân dưới 65 tuổi có nguy cơ tự tử cao hơn 6,69 lần so với những bệnh nhân không bị sa sút trí tuệ |
Các nhà khoa học của Đại học Queen Mary ở London và Đại học Nottingham đã xem xét hồ sơ y tế của khoảng 594.674 người từ năm 2001 - 2019 để xác định xem có mối liên hệ giữa chẩn đoán sa sút trí tuệ và nguy cơ tự tử hay không. Kết quả, họ phát hiện ra rằng gần 2% bệnh nhân được chẩn đoán sa sút trí tuệ chết do tự tử.
Theo nghiên cứu, bệnh nhân có nguy cơ tự tử cao sau khi được chẩn đoán sa sút trí tuệ nếu ở độ tuổi dưới 65, nhất là trong ba tháng đầu tiên sau khi được chẩn đoán, hoặc nếu họ đã biết bị bệnh về tâm thần.
"Kết quả cho thấy ở những bệnh nhân dưới 65 tuổi và trong vòng ba tháng sau khi được chẩn đoán, nguy cơ tự tử cao hơn 6,69 lần so với những bệnh nhân không bị sa sút trí tuệ. Vì thế, việc tiếp cận chẩn đoán sa sút trí tuệ là một ưu tiên chăm sóc sức khỏe quan trọng", tiến sĩ Charles Marshall, tác giả chính, giảng viên cao cấp lâm sàng và nhà tư vấn thần kinh danh dự tại Viện Sức khỏe Dân số Wolfson tại Đại học Queen Mary, cho biết.
Tại Vương quốc Anh, hiện có khoảng 850.000 người đang sống chung với chứng sa sút trí tuệ và đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Chỉ có khoảng 2/3 số người sống chung với chứng sa sút trí tuệ được chẩn đoán và cải thiện khả năng tiếp cận với chẩn đoán sa sút trí tuệ kịp thời và chính xác. Nhưng các chuyên gia cho biết việc mở rộng các phòng khám về tâm thần, trí não để chẩn đoán bệnh không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tiến sĩ Danah Alothman, tác giả chính và nhà nghiên cứu tại Đại học Nottingham, cho biết: “Những phát hiện này cho thấy rằng các phòng khám về tâm thần, trí nhớ nên đặc biệt nhắm đến mục tiêu đánh giá nguy cơ tự tử cho những bệnh nhân trẻ tuổi, những bệnh nhân trong vài tháng đầu tiên sau khi chẩn đoán sa sút trí tuệ và những bệnh nhân đã biết có vấn đề về tâm thần”.
Tiến sĩ Susan Mitchell, tại Viện nghiên cứu bệnh Alzheimer Vương quốc Anh, cho biết: “Trong khi nghiên cứu này vẽ ra một bức tranh hỗn hợp về tác động của chứng sa sút trí tuệ và nguy cơ tự tử, thật đáng lo ngại khi thấy rằng những người dưới 65 tuổi sống với chẩn đoán sa sút trí tuệ có nguy cơ tự tử gia tăng. Vì chứng sa sút trí tuệ thường liên quan đến những người lớn tuổi, nên có một mức độ kỳ thị sâu sắc gắn liền với chứng sa sút trí tuệ mới khởi phát ở người trẻ và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ tự tử".
Theo gphuj nữ TPHCM