Nỗi buồn con một

Vợ chồng tôi có con gái đầu lòng 1 năm sau cưới, khi nhà cửa và sự nghiệp chưa kịp ổn định. Nhớ lại cảnh đôi vợ chồng trẻ loay hoay chăm con mọn trong phòng trọ, con nhỏ quấy khóc ban đêm ròng rã mấy tháng trời, lại khó ăn uống khiến tôi ám ảnh suốt nhiều năm.

leftcenterrightdel
 Tôi đã nghĩ có một con gái là đủ (ảnh minh họa)

Khi con tầm 2-3 tuổi, chúng tôi có công việc tốt hơn, mua được nhà, con gái càng lớn càng đáng yêu, cả nhà thường xuyên có những chuyến du lịch rất vui vẻ. Vợ chồng tôi lúc ấy tự nhủ, như hiện tại là hạnh phúc nhất. Khi con gái tôi tầm 5-6 tuổi, tôi hỏi có muốn có em không thì bé nói không.

Bé sợ bị san sẻ tình yêu và mất đi thế độc tôn của mình. Tôi cũng lo con gái nếu có em khi chưa sẵn sàng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nên không nghĩ đến chuyện sinh thêm nữa.

Đến tầm 9-10 tuổi thì bé nói: “Nhà các bạn con ai cũng có anh chị em, bình thường thì hay cãi nhau, nhưng khi có người ngoài thì bênh vực nhau”. Bé buồn khi bạn thân bé bảo: “Tuy mình là bạn thân nhưng bạn vẫn xếp sau em gái của tui, vì bọn tui là chị em ruột”.

Tôi hỏi những bạn bè là con một thì đều nhận được câu trả lời là họ ngày càng thấy áp lực nhiều hơn hạnh phúc, khi không có anh chị em. Phần lớn cảm thấy đơn độc, khó chia sẻ những điều thầm kín vì khoảng cách chênh lệch thế hệ với ba mẹ. Tôi có cô bạn là con một. Bạn kể, khi còn nhỏ, lúc nào cũng thấy mình giống như hồng tâm mà ba mẹ luôn hướng tới để chăm lo và kỳ vọng. Không chỉ là học sinh xuất sắc của lớp, ba mẹ cô còn mong muốn cô giỏi bơi lội, cầu lông và giỏi cả những môn năng khiếu như vẽ, đàn, hát…

Không bao giờ bạn được tham gia các buổi dã ngoại, cắm trại với trường lớp vì ba mẹ sợ bạn gặp nguy hiểm. Tôi chợt giật mình vì vợ chồng tôi hiện cũng đang làm vậy với con gái - dồn hết sự quan tâm, kỳ vọng lên đứa con duy nhất.

Cô bạn tôi từng cảm thấy cô đơn, khủng hoảng khi mẹ cô phát hiện ung thư, một mình cô vào viện chăm mẹ hằng đêm suốt nhiều tháng. Những mệt mỏi thể chất rồi cũng sẽ qua, nhưng khoảng trống tâm lý khi không có người chia sẻ trách nhiệm và nâng đỡ tinh thần lúc gia đình có chuyện sẽ không bao giờ được lấp đầy. Rồi khi ba mẹ mất, cô ấy sẽ chính thức bơ vơ giữa đời vì không có anh chị em nương tựa.

Tôi cũng nhận ra tôi luôn muốn con tôi trở thành đứa trẻ hạnh phúc mà quên mất liệu sau này con có thể trở thành một người trưởng thành hạnh phúc hay không, khi phải gánh trên vai áp lực kỳ vọng của ba mẹ và sự chông chênh cô độc khi không có anh chị em.

Vất vả hơn nhưng hạnh phúc hơn

Đến nay, tuy mới chỉ sinh bé thứ hai được vài tháng, tôi đã cảm nhận quyết định của mình là đúng. Năm nay tôi 35 tuổi, cũng vừa kịp trước khi sức khỏe giảm và nguy cơ tăng cao. Quan trọng là tôi nhìn thấy những thay đổi trong tính cách và suy nghĩ của con gái. Bé biết chia sẻ và có trách nhiệm hơn.

Con gái tôi rất thương em. Bé phụ ba mẹ xếp đồ, rửa bình sữa, chơi cùng em. Đồ chơi, sách truyện đều được bé giữ gìn sạch sẽ và cất đi để dành cho em. Tôi từng cảm thấy rất hạnh phúc khi gia đình 3 người ngồi thư thái xem phim hoạt hình, nhưng giờ thì những giây phút ba mẹ và con gái lớn vây quanh cưng nựng con gái nhỏ lại vẹn tròn ấm cúng hơn nhiều.

 

Tôi mất nhiều năm phân vân không biết có nên sinh thêm con thứ hai hay không - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock
Tôi mất nhiều năm phân vân không biết có nên sinh thêm con thứ hai hay không - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock

 

Tôi tự nhủ, công việc sẽ kéo dài gần như hết cuộc đời, nên tạm gác lại một vài năm có là gì. Vất vả trông con mọn có là gì so với việc sau này chị em con có thể nương tựa nhau suốt cuộc đời phía trước. Nghĩ tới cảnh sau này vợ chồng tôi già yếu, con tôi lúc nào cũng có chị có em, không phải bơ vơ đơn độc, tôi cảm thấy an lòng hơn rất nhiều. Vậy mới nói, chuyện sinh thêm con với tôi là quyết định khó khăn nhưng đúng đắn.

Theo phụ nữ TPHCM