Chị Hạnh Dung kính mến,
Chồng em vốn hiền lành, thương vợ con. Anh là thợ nhôm kính giỏi, rất vất vả nhưng thu nhập khá. Lúc lỡ bầu đứa thứ hai, em rất căng thẳng, vì nghĩ thêm con là chồng thêm khổ, bởi em đi làm lương rất thấp. Anh động viên em rằng khổ trước sướng sau, anh sẽ cố gắng.
Với 2 đứa con, tụi em cũng khá chật vật. Mọi thứ đang dần ổn khi con thứ hai được 15 tháng tuổi thì em lại mang thai. Khi nghe tin, mặt anh sa sầm, nói: “Sao đàn bà mà không biết tránh thai”. Em đau lòng kinh khủng.
Suốt 2 ngày sau đó, anh chỉ im lặng, vẻ rất lo nghĩ, đêm nằm gác tay lên trán. Cuộc sống trở nên nặng nề, em thấy mình như tội đồ. Anh chưa từng như vậy. Anh dường như rất căm ghét việc có thêm con. Anh chưa bao giờ có phản ứng tồi tệ đến vậy.
Em tâm sự chuyện này với các chị đồng nghiệp thì được khuyên là nên nói chuyện rõ ràng để có quyết định với cái thai, để kịp khi thai còn nhỏ. Em rất tổn thương nên không muốn nói chuyện với anh.
Cuối cùng, em cố gắng nhắn tin cho anh, nói rằng muốn bàn chuyện cái thai. Anh nói cho anh thêm thời gian, vì anh chưa sẵn sàng nói chuyện.
Em như rơi xuống vực. Người đàn ông này lạ lẫm với em quá. Anh thừa biết em sẽ đau khổ đến mức nào nếu anh không hợp tác, chia sẻ, làm chỗ dựa. Vậy mà anh hành xử như vậy.
Thực sự em rất buồn, xấu hổ và cô đơn cùng cực đến mức đã có lúc nghĩ quẩn. Dù tính bỏ chồng để tự xoay xở, nhưng đôi lúc em thấy mình không đủ sức mạnh, em chán nản không muốn sống tiếp.
Vũ Nhung (TPHCM)
|
Ảnh minh họa |
Vũ Nhung mến,
Thời điểm này thực sự khó khăn với cả 2 em. Càng trong lúc đang “khủng hoảng”, mình càng nên thả lỏng để cảm xúc cao trào qua đi rồi tính.
Trước khi biết vợ mang thai con thứ ba, chồng em vẫn là người “hiền lành, yêu thương vợ con”. Vậy thì sự thay đổi của anh lúc này không liên quan đến tình thương với vợ, mà chỉ là phản ứng trước một điều bất ngờ.
Phản ứng đó có thể nói lên nhiều điều, mà muốn hiểu nó, cần phải chậm lại, cố gắng hiểu chồng hơn là “thương mình”. Điều này sẽ vô cùng khó với em (cũng như với mọi người) trong hoàn cảnh này.
Chính vì vậy mà Hạnh Dung đề xuất hãy “để khủng hoảng qua đi”, khi cả hai cân bằng hơn, kể cả việc hiểu cho nhau. Ngay lúc mỗi người còn đang chới với trước khủng hoảng thì khó đòi hỏi họ biết nghĩ cho người kia.
Trong cơn chới với, chồng em có thể không kịp nghĩ cho vợ, hoặc có nghĩ mà “lực bất tòng tâm”, không đủ tỉnh táo để hành xử cho đúng đắn mà tránh cho vợ tổn thương. Em buồn, tổn thương, đau khổ, tất cả những điều này đều rất dễ hiểu.
Quay lại phản ứng của chồng em. Hạnh Dung nghĩ, rất có thể cuộc sống hiện tại vốn đã khó khăn, anh ấy đã cố gắng rất nhiều. Với người chu toàn, một việc xảy ra ngoài kế hoạch sẽ khiến họ khổ tâm hơn, vì họ là người có trách nhiệm.
Phản ứng đó cho thấy anh ấy không hề nghĩ đến cách giải quyết “dễ dàng” mà nhiều người vẫn nghĩ là bỏ cái thai đi. Vì không chấp nhận phương án đó, nên anh mới “đau đầu” nghĩ cách chấp nhận và thu xếp cuộc sống cho trách nhiệm mới.
Xét ở khía cạnh này, có khi em còn chưa đi sâu vào việc có thêm con bằng chồng, bởi chính em còn đang tính đến việc cân nhắc về “hành xử với cái thai”. Vì vậy, ta không thể suy xét về tình thương con, hay trách nhiệm làm chồng, làm cha dựa trên sự im lặng của anh ấy. Cũng không thể so sánh phản ứng của anh ấy khi có con thứ hai với bây giờ, bởi 2 thời điểm hoàn toàn khác.
Việc sinh con thứ hai, dù sớm hơn kế hoạch, nhưng vẫn nằm trong dự định của vợ chồng em và đặc biệt là còn nằm trong “sức gồng tài chính” của anh ấy. Bây giờ, mọi thứ khó khăn hơn, anh ấy cần nhiều thời gian hơn để thích nghi.
Hạnh Dung rất hiểu tâm lý của em. Hãy xác nhận rằng đây là một thử thách và việc của mình là tìm cách thông thái nhất để vượt qua, để tránh gây đau khổ cho nhau. Nếu có hành động hay nói năng gì đó, hãy hành động và nói năng trên sự thấu hiểu, đừng phán xét, trách móc, làm mọi thứ càng thêm khó khăn.
Anh ấy đã xin thêm thời gian thì hãy cho anh ấy thêm thời gian, em nhé. Em có thể nhắn lại với anh ấy rằng em sẵn sàng chờ anh bình tĩnh trở lại và em luôn muốn cùng anh gánh vác mọi khó khăn sắp tới.
Theo phụ nữ TPHCM