leftcenterrightdel
Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục khiến Nhật Bản có nguy cơ khó duy trì vị trí nền kinh tế số ba thế giới.  

Theo báo cáo mới của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản hôm 4/7, số hộ gia đình có trẻ em ở quốc gia này đã giảm xuống dưới 10 triệu trong năm 2022. Đây là mức thấp nhất kể từ khi có dữ liệu so sánh vào năm 1986.

Con số trên cũng nhấn mạnh lời cảnh báo về tỷ lệ sinh đang trên đà tụt dốc nhanh chóng tại đất nước mặt trời mọc, Mainichi Shimbun đưa tin.

Các cặp bố mẹ có con dưới 18 tuổi là 9,917 triệu, giảm 3,4 điểm phần trăm so với năm 2019 và xuống chạm đáy là 18,3% trên tổng số.

Chính sách cải thiện thực trạng thiếu trẻ em là ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Fumio Kishida. Tháng 6/2023, Nhật Bản đã công bố các biện pháp nuôi dạy con cái để đảo ngược tình hình tỷ lệ sinh giảm trong khi già hóa dân số tăng lên.

Trong đó, ông Fumio Kishida có kế hoạch chi 3.500 tỷ yen (25 tỷ USD) mỗi năm cho việc chăm sóc trẻ em và các phương án tài chính khác để hỗ trợ cha mẹ.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Fumio Kishida đưa ra nhiều chính sách để tăng tỷ lệ sinh bao gồm hỗ trợ tài chính, nâng thời gian nghỉ phép dành cho cha mẹ. Ảnh:Mainichi.  

"Số lượng thanh niên sẽ bắt đầu giảm mạnh vào những năm 2030. Khoảng thời gian cho đến lúc đó là cơ hội cuối cùng của chúng ta để lật ngược xu hướng giảm tỷ lệ sinh", ông phát biểu.

Trong số các gia đình được khảo sát, 49,3% có một con, 38,0% có 2 con và số hộ có từ 3 con trở lên ghi nhận ở mức 12,7%.

Năm ngoái, xứ sở hoa anh đào ghi nhận ít hơn 800.000 ca sinh, mức thấp nhất tại quốc gia 125 triệu dân kể từ khi hồ sơ thống kê được thiết lập.

Sự tập trung vào vấn đề này đã tạo ra vô số cuộc tranh luận cùng các ý kiến trái chiều.

Một số người cho rằng sự lo lắng về nền kinh tế khiến thế hệ trẻ không còn mặn mà với chuyện lập gia đình, sinh con, đặc biệt là Millennials (sinh trong khoảng năm 1981-1996, hiện ở độ tuổi 27-42).

Thậm chí, xu hướng trên còn tạo ra làn sóng lan rộng cùng với hashtag "life-long childlessness" (tạm dịch: không có con suốt đời), theo CNA.

“Thế hệ trẻ nghĩ rằng họ không có triển vọng tăng thu nhập trong tương lai. Họ đang sống dưới mức thu nhập hạn chế và vẫn muốn tận hưởng cuộc sống. Vì vậy, việc kết hôn và sinh con đang bị lùi lại phía sau”, ông Takahide Kiuchi của Viện nghiên cứu Nomura nói.

Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng làm trầm trọng thêm những thách thức về nhân khẩu học của Nhật Bản. Số lượng người kết hôn suy giảm trong những năm gần đây là một trong những nguyên nhân đẩy số ca sinh lao dốc.

Theo zingnews