Các em bé tham gia cuộc thi bò tại Yokohama, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 13/6, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố một gói biện pháp đa dạng nhằm đảo ngược tỷ lệ sinh đang rất thấp ở đất nước “Mặt Trời mọc,” khẳng định rằng vấn đề này cần được xử lý giống như việc dân số già hóa đe dọa nền kinh tế đất nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh lúc này là cơ hội cuối cùng để đảo ngược tình trạng tỷ lệ sinh giảm, trước khi bước sang thập kỷ 30 của thế kỷ 21.
Ông khẳng định: “Tỷ lệ sinh thấp là vấn đề lớn, gây lo ngại cho xã hội và toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản nên không thể bỏ qua.”
Với các biện pháp như chi nhiều hơn cho các gia đình có con nhỏ và cung cấp nhà ở cho hàng trăm nghìn hộ gia đình, ông Kishida hy vọng sẽ tăng gấp đôi chi tiêu cho chăm sóc trẻ em từ nay đến đầu những năm 2030.
Hiện khoản chi tiêu này đang là 4.700 tỷ yen (33,7 tỷ USD).
Tỷ lệ sinh ở Nhật Bản đang trên đà giảm đều. Năm 2022, tỷ lệ sinh đã xuống tới mức thấp kỷ lục là 1,26 từ mức 1,57 vào năm 1990 bất chấp một loạt biện pháp của chính phủ nhằm đảo ngược tình trạng này.
Kế hoạch của ông Kishida sẽ cho phép chính phủ chi 3.500 tỷ yen/năm trong 3 năm tới cho việc chăm sóc trẻ và hỗ trợ những người phải nghỉ làm để chăm sóc trẻ.
Theo dự thảo đề xuất trên, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ kêu gọi các công ty cho phép nhân viên chọn cách làm việc linh hoạt hơn như được nghỉ 3 ngày/tuần.
Hiện chính phủ chưa nêu rõ sẽ lấy nguồn tiền từ đâu để chi cho gói biện pháp này, làm dấy lên lo ngại sẽ làm tệ hơn tình trạng tài chính vốn đang không ổn của Nhật Bản.
Ông Kishida một lần nữa loại bỏ khả năng tăng thuế trong tương lai gần, khẳng định rằng tiền sẽ có thể được huy động từ phát hành trái phiếu.
Dự kiến, chính phủ sẽ công bố chi tiết việc đảm bảo nguồn tài chính ổn định cho gói biện pháp trên trong năm nay./.
Theo TTXVN/Vietnam+