leftcenterrightdel
 

Khi cuộc họp kéo dài đến quá trưa, Huang Peiqi càng cảm thấy sợ hãi. Là một người mẹ mới sinh con, mỗi phút trôi qua, cô biết mình sắp phải đi bơm sữa. Cơn đau do căng tức bầu ngực cũng ập tới.

Khoảng 30 phút sau, cuộc họp cuối cùng cũng kết thúc. Huang đi lướt qua các đồng nghiệp để đến bàn làm việc, chộp lấy chiếc máy hút sữa và lao thẳng đến chỗ ôtô riêng - nơi duy nhất cô có thể nghĩ đến để tìm kiếm chút riêng tư.

"Một số bà mẹ vắt sữa trong nhà vệ sinh, nhưng tôi không dám, cho dù nhà vệ sinh có sạch đến đâu", Huang (33 tuổi) nói với Sixth Tone.

Dù đã kéo rèm che cửa sổ ôtô, ánh sáng vẫn lọt vào, vì vậy cô luôn phải để mắt đến những người qua đường. Nhưng trong xe vẫn tốt hơn ở văn phòng.

"Ở công ty, chúng tôi phải đăng ký trước để sử dụng phòng họp và gần như không thể đặt trước nếu tôi muốn sử dụng nó một mình mỗi ngày", cô nói.

Giữa tiếng còi xe, tiếng lốp xe rít lên và tiếng xe cộ ồn ào gần đó, Huang xoay xở để hút đầy một bình sữa mẹ. Cô bảo quản sữa trong hộp tiệt trùng, cho vào túi cùng hai hộp đá, thế là đủ cho bữa sáng của con trai cô ngày hôm sau.

Đó là thói quen của Huang trong nhiều tháng nay. Nhưng không chỉ riêng cô phải trải qua sự khó khăn này. Mỗi ngày trên khắp Trung Quốc, hàng triệu phụ nữ trẻ, được gọi là "beinai mama" hay "bà mẹ bỉm sữa", quyết tâm tiếp tục cho con bú trong khi gánh vác hết trách nhiệm gia đình và sự nghiệp.

Nhưng nhiều văn phòng làm việc thậm chí còn thiếu các cơ sở cơ bản, chưa nói đến phòng cho con bú được chỉ định, tủ lạnh để bảo quản sữa mẹ hoặc giờ làm việc linh hoạt.

Áp lực cho con bú

Bất chấp các hướng dẫn của chính phủ vào năm 2016 nhằm cải thiện tiện nghi cho bà mẹ và trẻ sơ sinh ở những nơi công cộng, trung tâm giao thông và nơi làm việc trên khắp Trung Quốc, mọi sự thay đổi vẫn rất chậm chạp.

Theo một báo cáo năm 2019, trên khắp đất nước chỉ có khoảng 2.600 phòng chăm sóc trẻ sơ sinh, chủ yếu tập trung ở các địa điểm công cộng như trung tâm thương mại, sân bay và nhà ga ở các thành phố lớn. Chỉ 7 thành phố, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, có hơn 100 phòng như vậy.

Cùng năm đó, một cuộc khảo sát khác của Quỹ Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc cho thấy chưa đến 30% trẻ sơ sinh ở nước này được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Trên toàn thế giới, con số ghi nhận là 44%.

leftcenterrightdel
 Nhiều bà mẹ đi làm gặp khó khăn khi duy trì nuôi con bằng sữa mẹ.
 

Ngoài các tiện nghi, một số nhà tuyển dụng có thể không hỗ trợ các bà mẹ mới sinh hoặc nhu cầu của họ. Đó là một trong những lý do khiến Huang vẫn chưa dám nêu vấn đề này lên công ty sản xuất của cô ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông.

Cô nói: "Với việc các công ty tư nhân phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng trong những năm gần đây, một số bà mẹ mới sinh thấy rằng chủ của họ không được cởi mở như họ mong đợi".

Vì vậy, Huang chỉ đảm bảo rằng mình luôn mang theo áo choàng hút sữa và đã quen với việc thiếu thốn cơ sở vật chất.

Bất chấp những thách thức, Trung Quốc hy vọng sẽ có hơn một nửa số trẻ sơ sinh được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời vào năm 2025, một mục tiêu mà nước này đã không đạt được vào năm 2020 theo kế hoạch trước đó.

Nhưng với tốc độ cải thiện chậm như hiện tại, mục tiêu đầy tham vọng chỉ làm tăng thêm áp lực cho các bà mẹ mới sinh. Trong khi nhiều người như Huang nói rằng họ quyết tâm cho con bú, những người khác chọn từ bỏ.

leftcenterrightdel
 Bên trong phòng chăm sóc trẻ sơ sinh tại một trung tâm thương mại mới ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam.
 

Sau khi con gái chào đời vào năm 2020, Li Wen đã uống một viên thuốc để ức chế sản xuất sữa mẹ. Ngoài cơn đau do ngực căng sữa và kiệt sức hoàn toàn khi phải cho con bú vài giờ một lần, Li nhấn mạnh rằng sự căng thẳng liên quan đến việc cho con bú rất nặng nề.

"Cho con bú có nghĩa là không có sự riêng tư nào cả", Li nói. Khi đưa con nhỏ đi dạo nơi công cộng, cô không tránh được những câu hỏi từ mọi người.

"Những phụ nữ lớn tuổi sẽ hỏi tôi về lượng sữa vắt ra mỗi ngày, hoặc khoe khoang về việc con gái hoặc con dâu của họ làm tốt hơn như thế nào", Li kể. Và khi cô trả lời rằng mình hoàn toàn không cho con bú, vẻ mặt của họ hầu như không che giấu được sự phản đối.

Mọi người nói rằng sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng việc cho con bú gây ra căng thẳng vô hình cho những bà mẹ đi làm như Li.

"Có vẻ như chỉ những phụ nữ cho con bú mới là những bà mẹ tốt. Và người mẹ luôn chịu áp lực phải cho con bú", Li bày tỏ.

Nỗi sợ của phụ nữ đi làm

Ở nơi làm việc, vấn đề của các bà mẹ cho con bú cũng nặng nề hơn.

Mặc dù nhà tuyển dụng bị cấm đưa ra các chủ đề như kết hôn và mang thai trong quá trình tuyển dụng, nhưng Li, người từng làm việc trong bộ phận nhân sự, cho biết việc nghỉ thai sản thậm chí có thể cản trở con đường thăng tiến.

Cô nói thêm rằng mặc dù phụ nữ có quyền hợp pháp được nghỉ một giờ mỗi ngày để cho con bú, yêu cầu công việc thường không cho phép điều đó.

"Thật khó để trở thành một người mẹ dành hàng giờ cho công việc. Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn hoàn toàn không cho con bú. Tôi tương đối vô tư nhưng điều đó không có nghĩa là tôi là một người mẹ tồi", Li nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Phòng chăm sóc em bé bên trong ga tàu điện ngầm ở Thượng Hải.
 

Dai Yingying (35 tuổi) vẫn nhớ như in cách cô vắt sữa 2-3 lần/ngày khi đi làm từ năm 2018 đến năm 2020.

"Hiếm phụ nữ sẵn sàng tiếp tục cho con bú khi đi làm trở lại, nhưng tôi vẫn chọn làm như vậy. Nó thể hiện tất cả tình yêu mà tôi dành đến con gái nhỏ, đứa con duy nhất mà tôi sẽ có", cô nói.

Ngoài chiếc túi đi làm, Dai mang theo 3 bình sữa và một dụng cụ bơm sữa mỗi ngày. Ban đầu, việc cô mang đầy chai lọ lên tàu điện ngầm thường khiến nhân viên bảo vệ hỏi những câu hỏi khó xử.

Sau một vài tuần, mọi người đã quen với chuyện đó. Điều khó khăn nhất là thời gian nghỉ, đặc biệt là khi Dai làm việc tại một công ty tài chính, thường xuyên phải đi công tác.

Dành thời gian để vắt sữa mẹ trong một chuyến công tác trở nên khó khăn hơn nhiều. Dai phải gọi điện trước cho các khách sạn để kiểm tra xem họ có tủ lạnh trong phòng để trữ sữa không.

Đôi khi, cô đi du lịch với em bé của mình. "Thường thì tôi rút ngắn chuyến đi hết mức có thể. Hoặc, đôi khi, tôi hủy luôn chuyến đi", cô nói.

Wang Ling, một nhà trị liệu xoa bóp, người hướng dẫn các bà mẹ cho con bú và giúp giảm đau do căng sữa, nhớ lại một khách hàng bận rộn đến mức nhiều lần bỏ lỡ thời gian vắt sữa.

Vào một đêm mùa đông lạnh giá năm 2020, khi được nhờ vả nhiệt tình, Wang ngay lập tức lái xe đến nhà người phụ nữ đó. Cô đã rất ngạc nhiên khi thấy người mẹ vẫn tham gia cuộc gọi hội họp mặc dù đang bị sốt cao do viêm vú, một tình trạng đau đớn do tắc nghẽn ống dẫn sữa, làm viêm mô vú.

"Tôi hỏi cô ấy tại sao vẫn khăng khăng cho con bú. Cô ấy trả lời rằng nếu không làm vậy sẽ bị coi là một bà mẹ không tốt", Wang nói. Sau khi cơn đau dịu đi, người mẹ thậm chí đề nghị trả thêm cho Wang 300 nhân dân tệ (43 USD).

Nhưng Wang đã trả lại nó. "Chỉ có phụ nữ mới hiểu được nhau và những khó khăn mà chúng tôi gặp phải", cô nói.

Chia sẻ và đồng hành

Wang từng làm y tá tại các bệnh viện. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, một số tổ chức y tế đã thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng hơn. Ví dụ, các cặp vợ chồng phải bày tỏ ý định không cho con bú trước khi được kê đơn sữa công thức.

Wang hưởng lợi từ chiến dịch này. Cô tính phí 400 nhân dân tệ cho các dịch vụ của mình cho mỗi phụ nữ được cô chăm sóc. "Càng nhiều phụ nữ chọn cho con bú, tôi càng kiếm được nhiều tiền", Wang nói.

leftcenterrightdel
 Một bà mẹ ở Bắc Kinh đang dùng máy vắt sữa.
 

Giờ đây, Wang đã thành lập văn phòng của riêng mình, cung cấp các dịch vụ massage cho con bú và phục hồi sau sinh. Trên mạng xã hội, cô thường chia sẻ nhiều mẹo hàng ngày để giúp những bà mẹ gặp khó khăn, đặc biệt là những bà mẹ bị viêm tuyến vú.

Zhang Ziwen là một bà mẹ cho con bú nhận thấy sự khác biệt khi có cơ sở chăm sóc tốt. Công ty nhà nước của cô ở Bắc Kinh cung cấp một phòng cho con bú rộng khoảng 15 m2 và có thể chứa 3 bà mẹ cùng một lúc.

Điều đó có nghĩa là Zhang không bao giờ phải lo lắng về sự riêng tư hay tìm chỗ ngồi hút sữa. Trong phòng cũng có một tủ lạnh và một cái chậu để đựng sữa và rửa bình sữa cho ngày hôm sau.

Con trai cô sinh non và vì bác sĩ khuyến cáo mạnh mẽ rằng sữa mẹ tốt hơn cho hệ tiêu hóa của con nên Zhang đã quyết tâm, đặc biệt vì đứa con sinh non của cô sẽ cần thêm một tháng bú mẹ.

"Tôi thực sự lo lắng trước khi hết thời gian nghỉ thai sản. Tôi đã nghe nhiều bà mẹ kể rằng họ không thể thường xuyên vắt sữa khi đi làm, điều đó có nghĩa là con của họ phải cai sữa sớm hơn mong muốn", Zhang nói.

Nhưng vào ngày đầu tiên trở lại làm việc, cô nhận ra rằng những lo lắng của mình là thừa thãi. Cô có thể sử dụng phòng cho con bú bất cứ lúc nào và sếp của cô, cũng là một người phụ nữ, luôn thông cảm.

Xu Yanjun, giám đốc văn phòng ủy ban phụ nữ tại Tổng Liên đoàn Lao động Thượng Hải, nói với Sixth Tone: "Các bà mẹ đang đi làm tiếp tục cho con bú để đảm bảo sức khỏe cho thế hệ tiếp theo của chúng ta, vì vậy các liên đoàn lao động nên giúp đỡ và phục vụ những bà mẹ như vậy trong thời gian đặc biệt này".

Bắt đầu từ năm 2013, ủy ban đã làm việc với những người sử dụng lao động ở Thượng Hải để thành lập các điểm riêng dành cho các bà mẹ cho con bú, được đặt tên là "Phòng yêu thương của mẹ".

Một thập kỷ trôi qua, Xu cho biết thành phố có khoảng 7.900 cơ sở trải rộng trên 100.000 doanh nghiệp.

"Trong những năm gần đây, nhận thức đã được tăng cường. Các doanh nghiệp nước ngoài dẫn đầu, cùng với các công ty nhà nước và các cơ quan chính phủ cũng thực hiện. Bây giờ, các công ty tư nhân cũng đang làm rất tốt", Xu nói.

Theo zingnews