Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Plos Medicine đã xem xét mối quan hệ giữa trẻ sơ sinh bú sữa mẹ và nhu cầu giáo dục đặc biệt.

Nhu cầu giáo dục đặc biệt (SEN) dùng để chỉ trẻ em gặp vấn đề với bài tập ở trường, giao tiếp hoặc hành vi khiến chúng khó học hơn bạn bè cùng tuổi. Chúng là những đứa trẻ cần sự hỗ trợ và nguồn lực đặc biệt để nâng cao khả năng cá nhân.

Những em bé được bú mẹ hoàn toàn hoặc được cho uống hỗn hợp sữa công thức và sữa mẹ trong 6-8 tuần đầu tiên có nguy cơ phát triển các nhu cầu giáo dục đặc biệt (SEN) thấp hơn khoảng một phần năm so với những trẻ được cho uống sữa công thức.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị cho con bú trong sáu tháng, nhưng những phát hiện này ngụ ý ngay cả việc cho con bú trong thời gian ngắn hơn cũng có thể mang lại lợi ích khi phát triển giáo dục đặc biệt.

“Nhiều phụ nữ phải vật lộn để nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu theo khuyến nghị của WHO. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng cho thấy thời gian cho con bú ngắn hơn vẫn có lợi đối với sự phát triển học tập của trẻ”, tiến sĩ Michael Fleming, người đứng đầu nghiên cứu cho biết.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Glasgow đã phân tích dữ liệu về sức khỏe và giáo dục của 191.745 trẻ sinh ra ở Scotland từ năm 2004 với dữ liệu có sẵn về việc nuôi con bằng sữa mẹ và những trẻ theo học trường công hoặc trường giáo dục đặc biệt từ năm 2009 đến năm 2013.

Trong 6-8 tuần đầu đời, có 66,2% những đứa trẻ tham gia nghiên cứu được nuôi bằng sữa công thức, 25,3% được bú mẹ và 8,5% được cho bú hỗn hợp. Khoảng 12,1% trẻ em cần được giáo dục đặc biệt.

leftcenterrightdel
Nghiên cứu cho thấy cả việc cho con bú hỗn hợp và bú mẹ hoàn toàn đều có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển nhu cầu giáo dục đặc biệt. Ảnh: Parents Canada 

Nghiên cứu cho thấy bú hỗn hợp và bú sữa mẹ có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển nhu cầu giáo dục đặc biệt, ít hơn khoảng 10%. Trẻ được cho bú sữa công thức giảm 20% nguy cơ.

Ngoài việc giảm nguy cơ mắc SEN, trẻ bú sữa mẹ có ít nguy cơ gặp các vấn đề về giao tiếp, khó khăn về hành vi, cảm xúc, xã hội, suy giảm giác quan, khuyết tật vận động và tình trạng sức khỏe thể chất.

Nghiên cứu cho thấy nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong vài tuần đầu sau sinh giúp giảm nguy cơ khuyết tật học tập và những khó khăn dẫn đến việc con phải sử dụng giáo dục đặc biệt.

“Kết quả của nghiên cứu cho thấy phương pháp cho ăn ở trẻ sơ sinh là yếu tố rủi ro có thể thay đổi được. Từ đó có khả năng giảm gánh nặng cho trẻ em bị ảnh hưởng về mặt hành vi, tâm lý”, tiến sĩ Michael Fleming cho biết.

Nuôi con bằng sữa mẹ có rất nhiều lợi ích về sức khỏe, giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư và bệnh tim mạch ở người mẹ, đồng thời bảo vệ em bé khỏi bị nhiễm trùng, cung cấp nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho sự tăng trưởng và phát triển.

Theo Zingnews