Liên Hiệp Quốc đã chỉ ra kể từ năm 2020, tỷ lệ lo lắng và trầm cảm, sự mất an toàn, bạo lực do chồng, bạn tình gây ra đối với phụ nữ đã tăng lên trong khi tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ lại giảm. Các tác động của COVID-19, xung đột và khủng hoảng khí hậu cũng làm trầm trọng tình trạng này ở các cộng đồng dễ bị tổn thương. “Nhưng chúng ta không bất lực. Bằng cách đầu tư vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, khởi động các chương trình tiêm chủng định kỳ và tăng cường lực lượng y tế, chúng tôi có thể đảm bảo rằng mọi phụ nữ và trẻ em đều có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc” - Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết.

Theo Liên Hiệp Quốc, có ít nhất 25 triệu trẻ em chưa được tiêm chủng vào năm 2021 - nhiều hơn gần 6 triệu trẻ so với năm 2019. Điều này bao gồm việc tiêm phòng định kỳ cho trẻ các vắc-xin bạch hầu, uốn ván, ho gà… Bên cạnh đó, hiện có hơn 45 triệu trẻ em đang bị suy dinh dưỡng cấp tính. Điều này khiến trẻ em dễ bị chậm phát triển, mắc bệnh tật và tử vong. Nạn đói trên thế giới cũng tăng lên kể từ khi bắt đầu đại dịch, ảnh hưởng xấu đến 768 triệu người. Liên Hiệp Quốc nhận định, sự gia tăng nạn đói trên toàn cầu là do gián đoạn kinh tế liên quan đến đại dịch và các sự kiện biến đổi khí hậu, xung đột.
 

Một em bé hai tuổi đang được điều trị bệnh tả trong một căn lều tại Bệnh viện Bác sĩ không biên giới ở Haiti - ẢNH: REUTERS
Một em bé hai tuổi đang được điều trị bệnh tả trong một căn lều tại Bệnh viện Bác sĩ không biên giới ở Haiti - ẢNH: REUTERS

Ngoài ra còn có sự gia tăng về tình trạng sức khỏe tâm thần. Cụ thể, các rối loạn trầm cảm tăng 27,6%; rối loạn lo âu tăng 25,6% so với lúc đại dịch bắt đầu. Ghi nhận từ các đường dây nóng hỗ trợ, sở cảnh sát và các tổ chức khác cho thấy sự gia tăng bạo lực đối với phụ nữ và đặc biệt là do bạn tình, bạn đời gây ra. 

“Gần ba năm kể từ khi COVID-19 bắt đầu, tác động lâu dài của đại dịch đối với sức khỏe và hạnh phúc của phụ nữ, trẻ em và thanh thiếu niên đang trở nên rõ ràng, cơ hội cho cuộc sống khỏe mạnh và hiệu quả của họ đã giảm mạnh” - tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - cho biết. Theo ông, khi thế giới thoát khỏi đại dịch, việc bảo vệ và thúc đẩy sức khỏe của phụ nữ, trẻ em và thanh niên là điều cần thiết phải làm để hỗ trợ và duy trì sự phục hồi toàn cầu. 

Theo phụ nữ TPHCM