1. Tổng quan bệnh suy tim trái

Suy tim trái là tình trạng xảy ra khi khả năng bơm máu của tim bị suy yếu, khiến các cơ quan trong cơ thể không nhận đủ lượng oxy cần thiết. Nếu không kịp thời điều trị, suy tim trái có thể dẫn đến nhiều biến chứng như suy gan, suy thận, rối loạn nhịp hoặc tử vong.

Tim có hai buồng bơm chính là tâm thất phải và tâm thất trái. Hai buồng này hoạt động theo những cách khác nhau để bơm máu.

Buồng trái nhận máu giàu oxy từ phổi và đưa nó đến phần còn lại của cơ thể. Oxy giúp các cơ quan, cơ bắp và mô hoàn thành vai trò của chúng.

Buồng phải nhận máu nghèo oxy từ các cơ quan trở về, đưa nó đến phổi để lấy thêm oxy.

Suy tim trái được chia thành 2 dạng:

  • Suy tim tâm thu: Chức năng co bóp, máu của tâm thất trái suy yếu, giảm khả năng bơm máu ra động mạch chủ để nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể.
  • Suy tim tâm trương: Tâm thất trái bị cứng, giảm đàn hồi và không thể thư giãn thích hợp, gây khó khăn cho việc hút máu về tâm thất.
Suy tim trái: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.
 

Bệnh suy tim trái nếu không kịp thời điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng hoặc tử vong.

2. Nguyên nhân bệnh suy tim trái

Suy tim trái xảy ra do các nguyên nhân:

  • Tăng huyết áp mạn tính là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất.
  • Bệnh nhồi máu cơ tim gây ra tổn thương cho một phần cơ tim do tắc nghẽn động mạch vành, khiến cơ tim bị hủy hoại.
  • Hở van hai lá.
  • Hở van động mạch chủ.
  • Bệnh lý cơ tim.
  • Bệnh tim bẩm sinh.
  • Lạm dụng rượu, các thuốc gây nghiện, một số thuốc điều trị ung thư.
  • Các nguyên nhân khác bao cường giáp không điều trị, suy thận mạn, loạn nhịp tim kéo dài, đái tháo đường.

3. Triệu chứng bệnh suy tim trái

Bệnh suy tim trái ở giai đoạn đầu thường không nhận thấy các dấu hiệu của bệnh. Hoặc các triệu chứng nhẹ khiến mọi người nghĩ tới một số bệnh lý khác, chẳng hạn như dị ứng, nghẹt mũi, khó tiêu, cảm lạnh.

Khó thở là triệu chứng cơ năng điển hình, cụ thể:

  • Khó thở khi gắng sức.
  • Khó thở khi nằm.
  • Khó thở kịch phát về đêm khi ngủ.
  • Khó thở khi nghỉ.
  • Cơn hen tim và phù phổi cấp.
Suy tim trái: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Trong các nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh suy tim trái có việc tăng huyết áp mạn tính.

Các triệu chứng khác:

  • Cơn ho diễn ra vào ban đêm hoặc khi bệnh nhân gắng sức.
  • Cảm giác yếu, chóng mặt.
  • Đau ngực, cảm giác nặng ngực.
  • Nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim hoặc đánh trống ngực.
  • Thường xuyên đi tiểu vào ban đêm và tiểu ít lượng.
  • Cảm thấy mệt mỏi, yếu sức hầu trong hầu hết thời gian.
  • Sưng chân và mắt cá chân.

4. Bệnh suy tim trái có lây nhiễm không?

Bệnh suy tim trái không phải là một bệnh truyền nhiễm do đó không lây nhiễm.

5. Cách điều trị bệnh suy tim trái

Suy tim trái có nhiều phương pháp điều trị. Lựa chọn phương pháp nào phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ bệnh.

Các biện pháp điều trị cơ bản trong suy tim trái gồm:

  • Điều trị không dùng thuốc: Việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, làm việc, luyện tập phục hồi chức năng tim mạch cần được thực hiện xuyên suốt quá trình điều trị.
  • Điều trị dùng thuốc: Có 5 nhóm thuốc cơ bản trong điều trị suy tim gồm lợi tiểu, ức chế men chuyển/ARNI (valsartan + sacubitril), ức chế bêta, kháng thụ thể aldosterone và Dapagliflozine hoặc Empagliflozine.
  • Điều trị bằng dụng cụ hay phẫu thuật tùy theo nguyên nhân và giai đoạn.
  • Mổ van tim nếu hẹp hở van tim nặng.
  • Đặt máy tạo nhịp, máy tái đồng bộ cơ tim (CRT) hoặc máy phá rung cấy trong người (ICD).
  • Dụng cụ hỗ trợ thất hoặc tim nhân tạo trong sốc tim hay suy tim giai đoạn cuối.
  • Ghép tim.
Suy tim trái: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Một số triệu chứng bệnh suy tim trái.

6. Cách phòng bệnh suy tim trái

Để phòng ngừa mắc bệnh suy tim trái nhằm có một trái tim khỏe mạnh, mọi người cần lưu ý, thực hiện những lưu ý, lời khuyên của chuyên gia, bác sĩ.

Cách phòng bệnh suy tim trái gồm:

  • Kiểm tra sức khỏe đều đặn để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường và nhận điều trị kịp thời. Nếu có triệu chứng không bình thường, cần đến cơ sở y tế để kiểm tra.
  • Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, giới hạn tiêu thụ muối, đường và chất béo.
  • Đảm bảo duy trì cân nặng ở mức phù hợp.
  • Tập thể dục và vận động cơ thể đều đặn với cường độ phù hợp với sức khỏe tim mạch. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn chế độ tập luyện phù hợp.
  • Hạn chế căng thẳng, duy trì tinh thần lạc quan và vui vẻ.
  • Giảm sử dụng rượu và ngừng hút thuốc lá.
  • Kiểm soát các bệnh liên quan như tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, và mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
  • Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tăng, giảm liều, không bỏ liều, không sử dụng đơn thuốc của người khác.

Theo suckhoedoisong.vn