Tắc mạch ối: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
Cập nhật lúc 15:25, Thứ năm, 10/10/2024 (GMT+7)
Tắc mạch ối là một biến chứng sản khoa rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao, chiếm tỉ lệ 1 - 12/100.000 ca sinh, xảy ra trong khi mang thai hoặc sau khi sinh xong, không thể đoán trước và không thể dự phòng được.
1. Tắc mạch ối là gì?
Tắc mạch ối là một biến chứng sản khoa rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao, chiếm tỉ lệ 1 - 12/100.000 ca sinh, xảy ra trong khi mang thai hoặc sau khi sinh xong, không thể đoán trước và không thể dự phòng được.
Tắc mạch ối do nước ối, tế bào của thai nhi, chất gây, tóc, lông tơ hoặc các mảnh mô khác lọt vào tuần hoàn của người mẹ, gây ra suy tuần hoàn và suy hô hấp cấp tính.
Thời điểm xảy ra tắc mạch ối cũng rất khác nhau:
- 12% trường hợp xảy ra tắc mạch ối khi màng ối còn nguyên.
- 70% trường hợp xảy ra trong chuyển dạ.
- 11% trường hợp xảy ra sau sinh qua đường âm đạo.
- 19% trường hợp xảy ra trong mổ lấy thai khi đã có chuyển dạ hay khi chưa có chuyển dạ.
2. Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ mắc bệnh tắc mạch ối
Nguyên nhân tắc mạch ối:
- Bình thường nước ối hoàn toàn nằm trong buồng ối, không đi vào tuần hoàn của người mẹ. Khi hàng rào giữa khoang ối và tuần hoàn của người mẹ bị phá vỡ làm cho nước ối và tế bào thai qua tĩnh mạch đi tới tim và phổi của người mẹ với một lượng đủ gây ra tắc mạch hay co thắt mạch phổi nghiêm trọng.
- Biểu hiện trên lâm sàng là tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn nghiêm trọng. Tuy nhiên không phải trường hợp nào nước ối đi vào tuần hoàn người mẹ cũng gây ra tắc mạch ối. Tỷ lệ này chỉ gặp ở một số ít thai phụ.
- Bệnh có thể liên quan đến phản ứng dị ứng. Do vậy tắc mạch ối chỉ gặp ở một tỉ lệ rất nhỏ những phụ nữ làm cho người ta nghĩ đến vai trò của mức độ, số lượng mảnh mô thai, loại mảng phôi thai hay một số yếu tố nào đó của người mẹ.
Yếu tố nguy cơ:
- Sản phụ trên 35 tuổi.
- Con rạ nguy cơ cao hơn con so.
- Mổ lấy thai, sinh có can thiệp thủ thuật forceps, giác hút, chọc ối.
- Đa ối, đa thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, sản giật.
- Tổn thương tử cung hoặc cổ tử cung.
- Thai suy, thai lưu.
- Chuyển dạ với cơn go cường tính, khởi phát chuyển dạ.
3. Triệu chứng bệnh tắc mạch ối
Tắc mạch ối xuất hiện khi nào?
- Tắc mạch ối xuất hiện đột ngột, thường trong lúc chuyển dạ, lúc sinh hoặc sau khi sinh; hiếm xảy ra sau 48 giờ sau sinh.
- Khởi đầu là suy hô hấp, tím tái xảy ra đột ngột trong vài phút và tiếp đến là tụt huyết áp, phù phổi, choáng, biểu hiện thần kinh như: mất ý thức và co giật. Nguy cơ tử vong cao
- Đông máu rải rác lòng mạch là một biến chứng phổ biến. Các cục máu nhỏ xuất hiện khắp hệ tuần hoàn, dẫn đến chảy máu rộng rãi và mất máu nặng. Cần cấp cứu.
Triệu chứng báo hiệu
- Theo điều tra bí mật lần thứ 7 về tỷ lệ tử vong mẹ ở Vương quốc Anh có 11 trong số 17 sản phụ bị tắc mạch ối có một số hoặc tất cả các triệu chứng khó thở, đau ngực, cảm thấy lạnh, chóng mặt, căng thẳng, hoảng loạn, một cảm giác kim châm trong các ngón tay, nôn và buồn nôn.
- Khoảng thời gian từ khi khởi phát các triệu chứng cho đến khi biểu hiện bệnh cảnh nặng của tắc mạch ối (từ gần như ngay lập tức cho đến hơn 4 giờ sau đó).
- Các triệu chứng có thể chỉ ra tình trạng thiếu oxy và có thể cung cấp manh mối đầu tiên để chẩn đoán thuyên tắc ối trước khi diễn biến nặng và rối loạn đông máu xảy ra.
4. Bệnh tắc mạch ối có lây nhiễm không?
Bệnh tắc mạch ối không lây nhiễm.
5. Cách điều trị bệnh tắc mạch ối
Tắc mạch ối khi sinh là tai biến sản khoa nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao cần được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời. Các phương pháp điều trị bệnh khẩn cấp gồm:
Xử trí ban đầu:
- Kêu gọi mọi người đến giúp đỡ, cùng cấp cứu người bệnh.
- Kiểm tra và theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn: mạch, huyết áp, nhịp thở, nghe tim phổi.
- Đảm bảo thông thoáng đường thở bằng cách cho nằm đầu cao.
- Hút đờm làm thông đường hô hấp, thở oxy, duy trì thể tích tuần hoàn.
- Thiết lập đường truyền tĩnh mạch.
- Tư vấn cho gia đình biết tình trạng nặng của bệnh, nguy cơ cho mẹ và cho con.
- Phối hợp giữa Sản khoa, Gây mê hồi sức (GMHS) và Nhi khoa.
Về mặt gây mê hồi sức:
- Duy trì cung cấp oxy cho sản phụ (đặt nội khí quản, thở máy).
- Đặt hơn 2 đường truyền tĩnh mạch, nâng huyết áp bằng dung dịch cao phân tử.
- Hồi sức tim nếu ngừng tim.
- Truyền máu và các chế phẩm của máu nếu kết quả đông máu không tốt kèm chảy máu dữ dội.
Về mặt sản khoa:
- Khoảng 65% các trường hợp tắc mạch ối xảy ra trước khi đẻ, do vậy cần nhanh chóng lấy thai ra càng nhanh càng tốt. Có thể forceps nếu đủ điều kiện hoặc mổ lấy thai.
- Phẫu thuật cắt tử cung cầm máu nếu sản phụ đã đẻ và chảy máu sau đẻ, khi tình trạng bệnh nhân cho phép.
- Tùy từng trường hợp cụ thể để có chỉ định phù hợp.
Về mặt nhi khoa:
6. Cách phòng bệnh tắc mạch ối
Làm gì để phòng bệnh tắc mạch ối?
- Cho đến nay không có biện pháp dự phòng nào hữu hiệu đối với tắc mạch ối. Bệnh lý này không thể ngăn chặn được và ngay cả các bác sĩ cũng rất khó khăn trong việc dự đoán khi nào nó sẽ xảy ra trong suốt quá trình sản phụ chuyển dạ.
- Các sản phụ nên đi thăm khám thai định kỳ ở các cơ sở khám bệnh uy tín, đặc biệt các sản phụ trên 40 tuổi theo lịch hẹn của bác sĩ để có thể phát hiện sớm các các dấu hiệu bất thường, ngăn ngừa và xử lý kịp thời để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
- Nếu đã từng bị tắc mạch ối và có dự định sinh con, phụ nữ nên đi khám và trao đổi với bác sĩ sản khoa để bác sĩ hướng dẫn cách theo dõi quá trình mang thai và có những dự phòng cho cuộc sinh.
- Không nên sinh quá nhiều.
- Hạn chế tối đa các va chạm mạnh vào vùng bụng lúc thai đã lớn.
Theo suckhoedoisong.vn