Con trai tôi năm nay học lớp 5. Cháu rất bụ bẫm nhưng lại thấp hơn các bạn cùng trang lứa. Tôi đưa con đi khám dinh dưỡng, bác sĩ kết luận con suy dinh dưỡng, còi xương. Cháu ăn rất khỏe và tôi luôn tăng cường thực phẩm bổ dưỡng trong các bữa ăn của cháu. Tôi thắc mắc tại sao cháu lại suy dinh dưỡng? Kết quả xét nghiệm máu của cháu cũng không thấy bị thiếu canxi. Năm nào tôi cũng cho cháu uống bổ sung canxi hai lần.

Trần Thị Hà (quận 7, TPHCM)

Tiến sĩ Lưu Thị Mỹ Thục - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương: Tất cả trường hợp trẻ em bị thiếu, thừa và mất cân đối về dinh dưỡng đều gọi là suy dinh dưỡng. Rất nhiều phụ huynh tưởng lầm rằng trẻ bị thiếu dinh dưỡng mới gọi là suy dinh dưỡng, và ngớ ra khi con mình rất bụ bẫm mà đi khám bác sĩ lại nói là suy dinh dưỡng, còi xương.

Theo đó, bệnh béo phì cũng xếp vào một dạng suy dinh dưỡng. Ở những bệnh nhi thừa cân - béo phì thường ăn nguồn thức ăn chứa đạm quá mức. Điều này khiến thận phải tăng cường đào thải và còn thất thoát cả canxi qua đường nước tiểu. 

Canxi nằm chủ yếu trong xương nên xét nghiệm máu nhiều khi sẽ không thấy thiếu. Đó là vì dự trữ canxi trong tế bào của trẻ vẫn còn, nhưng thực tế, trẻ đã có những biểu hiện lâm sàng của tình trạng thiếu hụt canxi. Không ít bé thấp còi, khi chụp tuổi xương thì rõ ràng thấy thấp hơn độ tuổi của trẻ nhưng xét nghiệm vẫn chưa thể hiện là thiếu canxi. Qua đó, cần hiểu rằng sự thiếu hụt vi chất rất đa dạng chứ không thể chỉ căn cứ vào một xét nghiệm.

Tại sao phụ huynh có bổ sung canxi cho con mà trẻ vẫn thiếu canxi? Thiếu là do phụ huynh bổ sung canxi chưa đúng lúc và đúng cách. Vì thế, phụ huynh nên được tư vấn bởi các chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ chăm sóc dinh dưỡng cho con được tốt hơn.

Theo phụ nữ TPHCM