Theo các nhà nghiên cứu từ Viện Sức khỏe tâm thần Singapore (IMH), nhóm thanh thiếu niên này thường cảm thấy mất kiên nhẫn hoặc khó chịu khi không có thiết bị điện tử và liên tục nghĩ về chúng. Họ cũng đối mặt vấn đề về thể chất, đau ở cổ tay hoặc sau gáy. Ngoài ra, nhiều người phải nghỉ học hoặc không thể tập trung trong giờ học do sử dụng điện thoại.

Bà Andrea Chan - Phó giám đốc trung tâm TOUCH Mental Wellness - cho biết, cơ quan này đã xử lý các trường hợp thanh thiếu niên trốn học do ghiền chơi game, đe dọa tự tử hoặc bỏ nhà đi khi cha mẹ tắt wifi. Phần lớn các trường hợp chỉ được phát hiện khi cha mẹ nhận thấy điểm số của con giảm sút, ít trò chuyện với gia đình hoặc giảm thời gian dành cho bạn bè.

Trong một nghiên cứu khác do IMH công bố vào tháng Chín, hơn 25% thanh thiếu niên được khảo sát cho biết họ dùng mạng xã hội tới hơn 3 giờ mỗi ngày. Khoảng 20% thanh thiếu niên bị bắt nạt trên mạng thông qua các tin nhắn ác ý, hung hăng hoặc thô lỗ. Những người từng bị bắt nạt trên mạng có khả năng mắc các triệu chứng trầm cảm, lo lắng hoặc căng thẳng nghiêm trọng cao gấp đôi so với bạn bè đồng trang lứa.

Nhiều thanh thiếu niên đắm chìm trong thế giới ảo của mạng xã hội và trò chơi điện tử, xa lánh cuộc sống thực - ẢNH: PANDHUYA NIKING (Unsplash)
Nhiều thanh thiếu niên đắm chìm trong thế giới ảo của mạng xã hội và trò chơi điện tử, xa lánh cuộc sống thực - Ảnh: PANDHUYA NIKING (Unsplash)
 

Chia sẻ với tờ Straits Times, một nữ sinh 17 tuổi cho biết, cô dần trầm cảm sau khi dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội và nhận về những tin nhắn đầy hằn học. Trong 7 giờ mỗi ngày, cô gái dán mắt vào các ứng dụng như Instagram và X, tham gia các cộng đồng trực tuyến tập trung vào những thần tượng K-pop yêu thích. Thậm chí cô từng nói chuyện thâu đêm suốt sáng với người khác trên X.

Nhưng một ngày, cô bắt đầu nhận được những tin nhắn thù địch sau khi chỉ trích hành động của một ca sĩ thần tượng. Cô nhớ lại: “Sau một thời gian, việc nhận được những lời lăng mạ mỗi ngày bắt đầu khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình và bắt đầu xem xét những điều họ nói có đúng không”. Cô đã tìm đến sự giúp đỡ của một nhà tư vấn khi những suy nghĩ tự ti bắt đầu khiến cô không muốn rời khỏi nhà. Hiện quá trình trị liệu đang diễn ra và cô gái đã dành ít thời gian trên mạng xã hội hơn trước.

Vào năm 12 tuổi, Art Ng đã phát triển chứng nghiện game và ngại kết bạn. Chàng trai (hiện 17 tuổi) kể: “Tôi khá tự ti. Chơi game ở góc lớp dễ hơn là nói chuyện với mọi người”. Cậu dành khoảng 6 giờ/ngày để chơi game và điểm số đã tụt dốc không phanh. Thói quen đắm mình vào thế giới ảo cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ của Art với gia đình. Cậu bộc bạch: “Tôi không để ý đến bất kỳ ai trong số 3 đứa em, cha mẹ hoặc bạn bè. Tôi chỉ muốn dành thời gian cho những trò chơi”.

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và việc cách ly tạo ra môi trường lý tưởng để chứng nghiện game của Art phát triển. Cậu thiếu niên phải đối mặt với tâm trạng xấu và suy nghĩ chán nản mỗi ngày. Sau khi lệnh giãn cách xã hội kết thúc và Art quay lại lớp học trực tiếp, một người bạn mới ở trường đã thúc giục cậu tìm kiếm sự giúp đỡ và cậu đã nhận được sự giúp đỡ từ cơ quan dịch vụ xã hội Impart vào năm 2023.

Hiện là sinh viên ngành thiết kế và phát triển kỹ thuật số, Art tình nguyện dành thời gian của mình tại Impart để giúp đỡ những người trẻ khác gặp phải vấn đề tương tự. Art chia sẻ: “Tôi không phải là người duy nhất đang đối mặt với chứng nghiện game. Có rất nhiều thanh thiếu niên tìm đến thế giới ảo vì một số điều nhất định xảy ra trong cuộc sống của họ. Với trải nghiệm của bản thân, tôi muốn giúp họ”.

Theo phụ nữ TPHCM