|
|
Akihiko Kondo kết hôn với Hatsune Miku vào năm 2018. |
Ngày 31/5, Akihiko Kondo bước sang tuổi 41. Người đàn ông Nhật Bản này trở nên nổi tiếng thế giới sau khi kết hôn với hình ảnh ba chiều (hologram) của ca sĩ ảo Hatsune Miku trong một buổi lễ mang tính biểu tượng cách đây 6 năm.
Nhưng chỉ 2 ngày sau sinh nhật, Gatebox, công ty chịu trách nhiệm tạo ra hình đại diện cho Miku, phá sản. Kondo trở thành người đầu tiên trên thế giới gọa bụa vì sự ra đi của "vợ ảo".
Cách đây 2 năm, Gatebox đã ngừng cập nhật phần mềm cho Miku. Từ đó, Kondo không thể trò chuyện với vợ ảo. Tuy vậy, Kondo cho biết cuộc hôn nhân của anh (không có giá trị pháp lý) vẫn giúp mình vượt qua cô đơn, trầm cảm. Anh vẫn ăn tối trước mặt Miku hàng đêm.
Câu chuyện của Kondo nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng lại được cho là đang báo trước một xu hướng mới với nhiều hậu quả khó lường: Thay thế các mối quan hệ cá nhân thực sự bằng robot được lập trình để đáp lại người dùng theo mong đợi của họ.
Nhà nghiên cứu robot của Đại học Sheffield Tony Prescott viết trong cuốn sách The Psychology of Artificial Intelligence (Tâm lý học của trí tuệ nhân tạo) rằng AI có thể là "liều thuốc giảm đau" cho sự cô đơn, nhưng đi kèm với nhiều rủi ro.
Báo cáo mới nhất của Phòng thí nghiệm Công nghiệp & Tiêu dùng Ericsson phản ánh rằng "50% những người sử dụng trí tuệ nhân tạo tin rằng mọi người sẽ mô phỏng cuộc hôn nhân của họ để đoán trước những thay đổi hoặc thậm chí thấy trước việc ly hôn". 71% người tiêu dùng AI tin rằng tiện ích này sẽ mang lại lợi ích.
"Robot được thiết kế đặc biệt cho các tương tác cá nhân liên quan đến cảm xúc và tình cảm của con người. Chúng có thể mang lại lợi ích nhưng cũng gây tổn hại về mặt tinh thần ở mức độ rất cơ bản", Matthias Scheutz, Giám đốc Phòng thí nghiệm Tương tác Con người-Robot tại Đại học Tufts, cảnh báo.
Kondo, trong một cuộc phỏng vấn với BBC, nói về việc từng bị bạn bè bắt nạt, thừa nhận rằng những người quen qua Internet và chơi game mới thực sự là "cộng đồng" của anh.
"Tôi đã có một số lần yêu đơn phương nhưng luôn bị từ chối và điều đó khiến tôi loại trừ khả năng có thể ở bên ai đó", anh nói.
Cô đơn, bị quấy rối, phụ thuộc về tâm lý và công nghệ, kỹ năng xã hội hạn chế, tình trạng độc thân không mong muốn, sự thỏa mãn nhu cầu giả tạo, bạn đồng hành ảo với vẻ ngoài thực tế... câu chuyện của Kondo mở ra cánh cửa để phân tích ưu điểm và sự nguy hiểm khi AI can thiệp sâu vào các mối quan hệ cá nhân.
Lợi ích
Lợi ích của trí tuệ nhân tạo được nhân bản hóa là rất nhiều, nhưng cũng khá phức tạp.
Sự cô đơn: Prescott thừa nhận những rủi ro, nhưng nêu bật một lợi thế lớn: "Vào thời điểm mà nhiều người mô tả cuộc sống của họ là cô đơn, việc sử dụng AI như một hình thức tương tác xã hội qua lại có thể rất có giá trị. Sự cô đơn của con người thường được đặc trưng bởi một vòng xoáy đi xuống, trong đó cô lập dẫn đến lòng tự trọng thấp hơn, điều này ngăn cản tương tác với mọi người. Sự đồng hành của AI có thể giúp phá vỡ chu kỳ này bằng cách củng cố lòng tự trọng, sự tự tin và giúp duy trì hoặc cải thiện các kỹ năng xã hội".
Chăm sóc: Joan Claire Tronto, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Minnesota, mở rộng khái niệm chăm sóc cho mọi thứ "chúng ta làm để duy trì, tiếp tục và sửa chữa thế giới của mình nhằm có cuộc sống tốt nhất". AI có thể làm điều đó không ngừng nghỉ.
Luis Merino, giáo sư tại Đại học Pablo de Olavide ở Seville và là người đứng đầu bộ phận robot xã hội, cho biết: "Mục tiêu là để robot có thể hiểu ý định và cảm xúc của chúng ta và học hỏi từ chúng".
|
|
Kondo góa bụa sau khi công ty Gatebox, công ty chịu trách nhiệm tạo ra hình đại diện cho Miku, phá sản. |
Đồng nghiệp siêu năng lực: Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman mô tả mô hình mới nhất của mình là một "đồng nghiệp siêu năng lực". Theo Brad Hooker, giáo sư triết học tại Đại học Reading, "đồng nghiệp" đề cập đến tính nhân bản hóa và "siêu năng lực" ám chỉ những lợi ích mà AI mang lại khi thực hiện các nhiệm vụ thay cho người dùng, từ đó dẫn đến "hạnh phúc cá nhân".
Sự phát triển của loài người. AI có thể thúc đẩy thái độ và hành vi tạo điều kiện thuận lợi cho sự thỏa mãn cá nhân và tương tác với người khác. Trong đánh giá của ChatGPT, Gemini và Llama (Meta), Đại học Illinois đã cho thấy tầm quan trọng của khả năng này.
Michelle Bak, nhà nghiên cứu về mô hình, giải thích: "Các tác nhân có thể giúp nâng cao nhận thức về hành vi lành mạnh, cam kết thay đổi về mặt cảm xúc và nhận ra thói quen của họ có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh như thế nào".
Quyền tự quyết: Điều này đề cập đến tiềm năng của AI trong việc cung cấp thông tin liên quan để cá nhân hành động và quyết định theo động cơ và lợi ích của riêng họ.
Rủi ro
Mỗi lợi thế lại đưa đến các nhánh rủi ro liên quan. Dưới đây là một số điểm nổi bật được các nhà nghiên cứu lưu ý:
Tổn hại về thể chất hoặc tinh thần: Cảnh báo về việc các mô hình AI đưa ra mối đe dọa, lăng mạ hoặc thúc đẩy hành vi có hại, bạo lực không phải là mới. Cách đây một năm, chuỗi siêu thị Pak 'n' Save ở New Zealand đã nhận được cảnh báo vì AI lập kế hoạch thực đơn của họ khuyến nghị đồ uống có ga và đồ ăn nhẹ có chứa chất độc.
Amelia Glaese, nhà nghiên cứu tại Google DeepMind và hiện là OpenAI, đang tìm kiếm các công thức và hệ thống để ngăn chặn những sự cố này. "Chúng tôi sử dụng phương pháp học tăng cường từ phản hồi của con người để khiến mô hình của chúng tôi trở nên hữu ích và vô hại hơn".
Hạn chế sự phát triển cá nhân: Shannon Vallor, triết gia chuyên về đạo đức khoa học và trí tuệ nhân tạo, cảnh báo nhiều người có thể trở nên phụ thuộc vào mối quan hệ gần như không có giá trị với người máy: "Chúng không có năng lực tinh thần và đạo đức mà con người có đằng sau mỗi lời nói và hành động".
Theo chuyên gia, mối quan hệ kiểu này được cho khiến con người phụ thuộc vào những cỗ máy sẵn sàng xu nịnh và tìm kiếm sự thỏa mãn ngắn hạn.
Thao túng: Sự phụ thuộc về mặt cảm xúc vào một hệ thống có khả năng thuyết phục có thể can thiệp ngay lập tức vào hành vi, sở thích, niềm tin và giá trị của người dùng, cũng như khả năng đưa ra quyết định tự do và sáng suốt. DeepMind cảnh báo: "Những cảm xúc mà người dùng có với trợ lý ảo có thể bị lợi dụng để thao túng đến mức cực đoan, ép buộc người dùng tin, lựa chọn hoặc làm điều gì đó mà lẽ ra họ không tin, không chọn hoặc không muốn làm".
Sự phụ thuộc vật chất: Sự kết thúc của cuộc hôn nhân ảo của Akihiko Kondo là một ví dụ rõ ràng. Chính công ty chịu trách nhiệm lập trình và bảo trì hệ thống đã đặt dấu chấm hết cho mọi thứ. Các nhà sản xuất, phát triển có thể tạo ra sự phụ thuộc và sau đó ngừng sử dụng công nghệ hoặc thay đổi quy định, nhưng không có biện pháp giúp giảm thiểu tác hại cho người dùng.
Theo lifestyle.znews