|
|
Huân chương Nobel bằng vàng - REUTERS |
Những bộ óc vĩ đại nhất trong các lĩnh vực Vật lý, Hóa học và Y học sẽ được vinh danh tại giải Nobel diễn ra vào tuần tới, theo hãng tin CNN.
Được biết, thời điểm công bố giải Nobel Y học hoặc Sinh lý học là vào thứ hai ngày 4.10, Nobel Vật lý vào ngày 5.10, Nobel Hóa học ngày 6.10, Nobel Văn học ngày 7.10, Nobel Hòa bình là ngày 8.10 và Nobel Khoa học Kinh tế vào ngày 11.10.
Dù danh sách đề cử và đoạt giải được bảo mật và khá khó đoán, thì vẫn có một số ứng cử viên nổi bật được nhiều người cho là xứng đáng đoạt giải Nobel vì những đóng góp to lớn của họ.
Thành tựu về vắc xin
Năm nay, giải thưởng Lasker và giải thưởng Breakthrough (được coi là tiền thân của giải Nobel) được trao cho các nhà khoa học có đóng góp quan trọng trong việc phát triển vắc xin COVID-19. Giải Lasker đã được trao cho bà Katalin Karikó - phó chủ tịch cấp cao của hãng dược BioNTech (Đức) - và ông Drew Weissman - giáo sư nghiên cứu vắc xin tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) - vì có công phát triển phương pháp sử dụng RNA để chữa bệnh.
Những nghiên cứu của họ về phương pháp này đã được công bố từ hồi năm 2005 nhưng ít được chú ý. Hiện tại, đây là cơ sở để sản xuất hai loại vắc xin COVID-19 hữu hiệu là Moderna và Pfizer. Công nghệ mRNA không chỉ quan trọng trong cuộc chiến chống lại COVID-19 mà còn hứa hẹn sẽ góp phần chữa các bệnh như HIV, ung thư hoặc các bệnh di truyền.
|
|
Tiêm vắc xin Covid-19 – SHUTTERSTOCK |
Xét nghiệm DNA
David Pendlebury - một nhà phân tích trích dẫn cấp cao tại Viện Thông tin Khoa học Clarivate (Mỹ), đưa ra dự đoán giải Nobel bằng cách xem xét tần suất được trích dẫn của các nghiên cứu quan trọng của một nhà khoa học. Ông Pendlebury cho rằng còn quá sớm để trao giải cho các nhà khoa học liên quan tới vắc xin COVID-19. Ông dự đoán người đoạt giải là Jacques Miller - một nhà nghiên cứu người Úc đã có khám phá quan trọng về tổ chức và chức năng của hệ thống miễn dịch ở người vào những năm 1960, đặc biệt là tế bào B và tế bào T. Đây là cơ sở cho nghiên cứu vắc xin.
Năm nay, giải Breakthrough đã trao cho các nhà khoa học Shankar Balasubramanian, David Klenerman và Pascal Mayer vì công trình nghiên cứu công nghệ giải trình tự DNA thế hệ mới. Trước khi có phát minh của họ thì việc giải trình tự lại một bộ gien người có thể mất nhiều tháng và tiêu tốn hàng triệu USD. Bây giờ chúng ta chỉ mất 24 giờ với chi phí khoảng 600 USD. Điều này đã làm thay đổi các lĩnh vực như sinh học, sinh thái học, cổ sinh vật học, pháp y...
Các ứng viên khác
Theo nhà phân tích Pendlebury, một nhà khoa học cũng xứng đáng được trao giải Nobel là Ho Wang Lee - giáo sư danh dự tại Đại học Hàn Quốc - nhờ công trình xác định và phân lập hantavirus (một họ vi rút gây bệnh, lây truyền từ các loài gặm nhấm).
Một ứng viên khác cho giải Nobel Y học là bác sĩ và nhà nghiên cứu Marilyn Hughes Gaston nhờ công trình đột phá về bệnh hồng cầu hình liềm - một tình trạng di truyền trong đó cơ thể không thể sản xuất hemoglobin bình thường.
Không có bất kỳ người da đen nào đoạt giải Nobel Vật lý, Hóa học và Y học, mặc dù họ có nhiều đề cử hơn ở giải Nobel Hòa bình và Nobel Văn học.
Theo thanhnien