Ảnh: Reuters
Theo số liệu cập nhật của trang thống kê toàn cầu Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 8/1, đại dịch Covid-19 tiếp tục tấn công 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 88,5 triệu người và cướp đi sinh mạng của trên 1,9 triệu nạn nhân. Số hồi phục đạt 63,5 triệu người.
Mỹ vẫn là nước bị Covid-19 hoành hành dữ dội nhất, thêm khoảng 221.000 ca nhiễm mới vào danh sách tổng 22 triệu bệnh nhân và thêm hơn 3.300 người vào danh sách tử vong hơn 373.000 người.
Brazil và Anh đều có số ca tử vong trong ngày trên 1.000 người, lần lượt là 1.455 và 1.162 ca. Hai quốc gia này cũng ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm mới.
Đại dịch đang ngày càng diễn biến phức tạp ở nhiều nước, với liên tiếp các kỷ lục về số người nhiễm và tử vong. Trước tình hình này, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo 6 tháng tới sẽ là một "chặng đường vô cùng khó khăn" trong cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu, trước khi các loại vắc-xin có thể phát huy hiệu quả và đảo ngược tình hình.
Phát biểu tại một sự kiện của WHO được truyền phát trực tiếp, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu về Covid-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove, mô tả tình hình ở nhiều quốc gia là rất đáng lo ngại, thậm chí ngày càng tồi tệ. Bà cho biết, một số nước đang chứng kiến tốc độ lây nhiễm dịch bệnh nhanh đáng sợ, đặc biệt là ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Nữ quan chức cảnh báo số người mắc Covid-19 sẽ tăng mạnh trong tháng 1, đặc biệt sau kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới. "Chúng ta đang chứng kiến điều này và sẽ tiếp tục chứng kiến trong vài tuần tới. Tại một số nước, thậm chí chúng ta sẽ thấy tình hình xấu đi trước khi có thể tươi sáng hơn".
Không có bằng chứng biến thể kháng vắc-xin
Bà Maria Van Kerkhove khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi hoặc ở Anh có khả năng kháng vắc-xin hay khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn.
Bà cho biết, đây là thông tin mới nhất WHO có được cho đến nay, trong khi các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục.
Biến thể của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Vịnh Nelson Mandela của Nam Phi vào tháng 10/2020. Nghiên cứu cho thấy, biến thể này có thể đã xuất hiện vào cuối tháng 8 năm ngoái. Mặc dù đến nay, nhà chức trách mới chỉ ghi nhận một số ca nhiễm biến thể này bên ngoài Nam Phi, song WHO ngày 5/1 nhận định biến thể có thể tăng nhanh ở nhiều quốc gia khác gồm Anh, Pháp, Phần Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Áo và Zambia.
Theo Tiến sĩ Kerkhove, biến thể tại Nam Phi và các biến thể khác của SARS-CoV-2 đều gây biểu hiện bệnh lý giống nhau, với cùng mức độ nghiêm trọng theo tiêu chí về số bệnh nhân phải nhập viện điều trị và số ca tử vong. Do vậy, WHO chưa ghi nhận sự thay đổi về mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Nhật ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, ngày 7/1, ban bố tình trạng khẩn cấp do Covid-19 ở Tokyo cùng 3 tỉnh Chiba, Kanagawa và Saitama từ ngày 8/1 đến ngày 7/2.
Quyết định này được đưa ra sau khi số ca nhiễm mới ở Nhật Bản lần đầu vượt ngưỡng 6.000 ca/ngày, trong đó, số ca ở Tokyo và ba tỉnh kể trên chiếm quá nửa. Có tới 16 trong số 47 tỉnh thành ở Nhật Bản cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày.
Dị ứng nặng với vắc-xin Covid-19 tại Mỹ
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) đang theo dõi cẩn thận các phản ứng dị ứng với vắc-xin Covid-19 của Pfizer và Moderna, đồng thời yêu cầu những ai bị dị ứng nặng không tiêm mũi thứ hai.
Hiện các phản ứng dị ứng đang xảy ra với tỷ lệ 11,1 người/1 triệu người tiêm vắc-xin Covid-19. So với vắc-xin phòng cúm mùa, tỷ lệ dị ứng sau tiêm là 1,3 người/1 triệu người.
Đến nay đã có 28 cá nhân tiêm vắc-xin do Pfizer phát triển bị phản ứng nghiêm trọng. Ngoài ra, có một trường hợp bị sốc phản vệ (có thể gây sưng cổ họng và gây khó thở) sau khi tiêm vắc-xin của Moderna.
Theo giới chức CDC, sở dĩ có sự chênh lệch lớn giữa hai loại vắc-xin là do sản phẩm của Pfizer được cấp phép sử dụng sớm hơn. Dù vậy, Trung tâm khẳng định các phản ứng nghiêm trọng với vắc-xin Covid-19 vẫn "rất hiếm gặp", đồng thời nhấn mạnh cần thiết phải tiêm phòng sớm.
Theo vietnamnet