Bộ thử nghiệm vaccine HVTN 702 tại Nam Phi, năm 2016 - Ảnh: The Times
Theo đài NBC, 3 loại vaccine hiện đang được thử nghiệm là HVTN 702, Imbokodo và Mosaico. Các nhà khoa học kỳ vọng nếu thử nghiệm thành công, cuộc chiến với HIV sẽ sớm đi đến hồi kết.
"Chúng tôi có 3 loại vaccine đang thử nghiệm và sẽ mất một khoảng thời gian để chuyển sang giai đoạn nghiên cứu công hiệu của chúng. Tuy nhiên, đây là khoảnh khắc lạc quan nhất với chúng tôi sau nhiều năm qua", tiến sĩ Susan Buchbinder, giám đốc chương trình nghiên cứu HIV thuộc Sở Y tế San Francisco, cho biết.
HVTN 702
Đây là vaccine được thử nghiệm sớm nhất trong 3 loại, từ năm 2016 ở Nam Phi. HVTN 702 dựa trên phiên bản vaccine trước đó là RV144 - có tỉ lệ giảm nhiễm HIV ở mức 30%, tỉ lệ được cho là chưa đủ cao.
Cho tới giờ, RV144 là loại vaccine duy nhất có hiệu quả lên virus HIV. Các nhà khoa học kỳ vọng HVTN 702 sẽ đạt tỉ lệ giảm nhiễm HIV vào khoảng 50 - 60%.
Kết quả thử nghiệm HVTN 702 sẽ có vào năm 2021.
Imbokodo và Mosaico
Imbokodo được thử nghiệm vào năm 2017 trên 2.600 phụ nữ tại 5 quốc gia Nam Phi, Malawi, Mozambique, Zambia và Zimbabwe.
Họ được tiêm vaccine thử nghiệm và giả dược rồi theo dõi trong vòng 3 năm để xem xét tỉ lệ giảm nhiễm HIV.
Mosaico được thử nghiệm vào tháng 11-2019.
Cả Imbokodo và Mosaico đều tương đồng về cách tiếp cận HIV. Cụ thể 2 loại vaccine này đều có 6 mũi tiêm, sử dụng cơ chế "mosaic" có tác dụng kích thích các phản ứng miễn dịch của cơ thể với HIV.
Kết quả thử nghiệm Imbokodo sẽ có vào năm 2021 và Mosaico là năm 2023.
Thử thách phía trước
Các nhà khoa học thừa nhận thử nghiệm 3 loại vaccine nói trên vẫn có thể thất bại, nhưng họ rất lạc quan.
Hiện nay HIV không còn là án tử nhờ vào phương pháp điều trị kháng virus (thuốc ARV). Thuốc ARV ức chế sự nhân lên của virus, qua đó duy trì lượng virus cực thấp trong máu và duy trì tình trạng bình thường của hệ miễn dịch.
Người bệnh dùng thuốc ARV không chỉ không lây virus HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục mà còn có thể tiếp tục sống bình thường.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là không điều trị triệt để. Người bệnh vẫn phải uống thuốc cả đời. Nếu ngưng thuốc, virus HIV trong cơ thể sẽ hoành hành trở lại.
Với những người chưa nhiễm HIV, có thể dùng thuốc dự phòng phơi nhiễm PrEP. PrEP là biện pháp dự phòng HIV lây truyền qua đường tình dục lên đến 99%.
Theo tuoitre