Già đi một mình

Jay Miles đã sống 52 năm không hôn nhân hay con cái. Điều này là sự pha trộn giữa “tính độc lập và bướng bỉnh” đi cùng tham vọng sáng tạo với tư cách là nhà quay phim ở bang Connecticut, Mỹ. Nhưng Jay Miles vẫn lo lắng về việc ai sẽ chăm sóc anh khi già.

 
leftcenterrightdel
 2 cơn đột quỵ nhẹ đã khiến bà Stacy Davenport cảm thấy lo lắng cho cuộc sống độc thân về già của mình và bà đã bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai - Ảnh: AARP
Tương tự, Donna Selman - giáo sư đại học 55 tuổi ở bang Illinois, Mỹ - cho biết, bà rất thích cuộc sống độc thân vì mẹ và các dì của bà chưa bao giờ tự chủ về tài chính và tình cảm như bà. Đó cũng là tình trạng của bà Mary Felder (65 tuổi) sau khi những đứa con của bà trưởng thành và rời đi khỏi căn nhà ở Philadelphia. Ngôi nhà vốn đông đúc giờ trở nên quá trống trải. 

Cả Miles, Selman và Felder thuộc về những người từ 50 tuổi trở lên sống một mình. Vào năm 1960, hộ gia đình 1 người chỉ chiếm 13% tổng hộ gia đình ở Mỹ. Con số đó đã tăng đều đặn và ngày nay tiến gần đến mức 30%. Gần 26 triệu người Mỹ từ 50 tuổi trở lên hiện đang sống một mình, tăng từ 15 triệu vào năm 2000. Những người lớn tuổi luôn có nhiều khả năng sống một mình hơn những lứa tuổi khác. Xu hướng này cũng được thúc đẩy bởi những thay đổi sâu sắc trong thái độ xung quanh giới tính và hôn nhân.

Những người trên 50 tuổi ngày nay có nhiều khả năng ly hôn, ly thân hoặc chưa bao giờ kết hôn hơn so với các thế hệ trước. Riêng phụ nữ thuộc nhóm này có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, sở hữu nhà và độc lập về tài chính nhiều hơn so với các thế hệ phụ nữ lớn tuổi trước đây. Hơn 60% người lớn tuổi sống một mình tại Mỹ là phụ nữ. Markus Schafer - nhà xã hội học tại Đại học Baylor (Mỹ) - nhận xét: “Có một sự thay đổi lớn về xã hội và nhân khẩu học đang diễn ra nhanh chóng”.

Tuy vậy, nghiên cứu cho thấy, những người già đi một mình có kết quả sức khỏe thể chất, tinh thần tồi tệ hơn và tuổi thọ ngắn hơn so với trung bình dân số nói chung. Ngay cả khi họ thường xuyên liên lạc với gia đình và xã hội, những người thuộc nhóm này nhìn chung vẫn cô đơn hơn những người sống cùng người khác.

Bác sĩ lão khoa Ashwin Kotwal - trợ lý giáo sư y khoa tại Đại học California, San Francisco (Mỹ) - giải thích: “Khi người lớn tuổi không coi trọng tình bạn, họ có thể ít nhận được sự giúp đỡ về mặt vật chất và tinh thần từ bạn bè. Điều đó khiến họ dễ tổn thương bởi cảm xúc tiêu cực bắt nguồn từ những thay đổi trong cuộc sống, ví dụ như sức khỏe thể chất suy giảm”.

Giúp người lớn tuổi thoát khỏi sự cô lập  

Stacy Davenport - tư vấn viên ở TP Austin, bang Texas (Mỹ) không có chồng con - bắt đầu lo lắng về tương lai trước khi bước sang tuổi 60. Bà chia sẻ: “Tôi cảm thấy lạc lối. Nếu tôi ngã bệnh thì sẽ không có ai bên cạnh”. Trải qua 2 lần đột quỵ vào năm 2018, nỗi sợ về sức khỏe buộc bà phải hành động. Bà chỉ định 1 cháu gái ở bang Florida là người thừa hành và thụ hưởng bảo hiểm của mình, cũng như cấp giấy ủy quyền y tế và thêm tên người này vào tài khoản ngân hàng cá nhân của bà. 

1 cuộc khảo sát về những người độc thân từ 50 tuổi trở lên do NORC - tổ chức nghiên cứu độc lập tại Đại học Chicago (Mỹ) - cho thấy, chỉ 1/3 số người được hỏi có người giúp quản lý việc gia đình hoặc hỗ trợ xử lý các vấn đề tài chính hằng ngày; 77% còn lại báo cáo ít hoặc không có kế hoạch hỗ trợ sinh hoạt khi họ già đi.

Trong số các nhóm đang cố gắng giúp đỡ người lớn tuổi có “Mạng lưới Làng nối làng”. Tổ chức khuyến khích các nhóm hàng xóm tại 1 khu vực gắn kết và chăm sóc lẫn nhau. Mỗi “ngôi làng” đều khác nhau, nhưng hầu hết đều cung cấp các chương trình giáo dục và sự kiện xã hội, phương tiện di chuyển đến cuộc hẹn y tế, nhà cung cấp dịch vụ đã được kiểm duyệt… cho các thành viên. 

Bên kia bờ Thái Bình Dương, Nhật Bản là nơi có dân số già nhất thế giới, với hơn 27% dân số từ 65 tuổi trở lên. Năm 2020, khoảng 6,7 triệu hộ gia đình ở Nhật Bản là hộ gia đình 1 người tuổi từ 65 trở lên - trong đó, phụ nữ chiếm khoảng 4,4 triệu hộ. Điều này khiến cho ngày càng nhiều người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ, dễ bị tổn thương về kinh tế. Với việc ngày càng có nhiều người già sống một mình và có ít sự hỗ trợ từ gia đình, tỉ lệ tội phạm vặt ở người cao tuổi đã gia tăng. Cứ khoảng 5 phụ nữ ngồi tù thì có 1 người lớn tuổi, và 9/10 phụ nữ lớn tuổi bị bắt vì tội ăn cắp trong cửa hàng. 1 cựu nữ tù nhân lớn tuổi chia sẻ: “Tôi thích sống trong tù hơn. Luôn có nhiều người xung quanh và tôi không cảm thấy cô đơn”. 

Cả Chính phủ Nhật Bản và khu vực tư nhân đều chưa tìm ra giải pháp cho vô số vấn đề mà các công dân cao tuổi của họ phải đối mặt. Dù vậy, 1 đạo luật được Quốc hội thông qua năm 2016, cung cấp thêm phúc lợi và hỗ trợ dịch vụ xã hội cho những người cao tuổi trở về sau khi bị giam giữ đã tỏ ra khá hữu ích. 

Theo phụ nữ TPHCM