leftcenterrightdel
Bạn cần bao nhiêu sắt mỗi ngày để ngăn ngừa thiếu máu. Đồ hoạ: Thiện Nhân 

TS.BS Hàn Viết Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết, thiếu máu, thiếu sắt là loại thiếu máu phổ biến nhất trên toàn cầu, ảnh hưởng đến khoảng 1,62 tỉ người, chiếm khoảng 24,8% dân số thế giới.

Thiếu máu, thiếu sắt là tình trạng thiếu máu mà nguyên nhân là cơ thể không hấp thu đủ sắt để sản xuất hemoglobin - một loại protein trong hồng cầu giúp vận chuyển oxy. Điều này dẫn đến giảm số lượng hồng cầu, gây ra các triệu chứng thiếu máu như mệt mỏi, da xanh xao và khó thở.

"Những nhóm người có nguy cơ mắc chứng thiếu máu, thiếu sắt bao gồm: phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ có kinh nguyệt nhiều; trẻ em; người già và người có bệnh lý mãn tính như bệnh viêm loét đại tràng, hoặc bệnh lý về thận. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới vì phụ nữ bị mất máu qua kinh nguyệt và nhu cầu sắt tăng trong thai kỳ.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, thiếu máu, thiếu sắt nặng và kéo dài có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như suy tim, thai nhi phát triển kém ở phụ nữ mang thai, hoặc làm trầm trọng hơn các bệnh lý khác" - TS.BS Hàn Viết Trung phân tích.

Hiện nay, nhiều người thiếu máu, thiếu sắt nhưng không quan tâm đến bệnh. TS.BS Hàn Viết Trung có lời khuyên, nếu không may bị thiếu máu, thiếu sắt, đầu tiên, người bệnh nê điều chỉnh chế độ ăn, bổ sung thực phẩm giàu sắt và vitamin C.

Trong trường hợp cần thiết, có thể bổ sung sắt bằng cách dùng viên sắt hoặc các dạng bổ sung sắt qua đường uống hoặc truyền (đường truyền chỉ dùng tại cơ sở y tế vì nguy cơ dị ứng hoặc phản vệ) và phải có chỉ định của bác sĩ.

Truyền máu chỉ được sử dụng trong trường hợp thiếu máu, thiếu sắt nghiêm trọng hoặc việc bổ sung sắt không hiệu quả. Tuy nhiên, chúng ta cần tìm hiểu và điều trị nguyên nhân gốc rễ. Ví dụ như điều trị các bệnh lý gây mất máu hoặc khả năng hấp thu sắt kém.

Mỗi người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần. Cần đảm bảo chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, giàu sắt và vitamin C hoặc chủ động bổ sung sắt đường uống phù hợp với giai đoạn phát triển, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao như phụ nữ mang thai và trẻ em.

Không tự ý bổ sung sắt, trừ khi có chỉ định của bác sĩ, vì thừa sắt cũng có thể gây hại cho sức khỏe.

Tham khảo ý kiến bác sĩ khi có dấu hiệu mệt mỏi, da xanh xao, hoặc các triệu chứng nghi ngờ khác, nên đi khám và tư vấn kịp thời.

Để phòng ngừa bệnh, nên lựa chọn chế độ ăn uống hợp lý, cụ thể như sau:

Chế độ ăn giàu sắt: Bổ sung thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, gan, hải sản, rau xanh (rau họ cải), đậu, và ngũ cốc nguyên hạt.

Sử dụng thực phẩm giàu vitamin C: Kết hợp với bữa ăn giúp tăng cường hấp thu sắt.

Tránh sử dụng các chất ức chế hấp thu sắt: Như trà, cà phê trong bữa ăn.

Phụ nữ mang thai: Nên bổ sung sắt theo hướng dẫn của bác sĩ.

Theo laodong