1. Các thể bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản không tổn thương: Mặc dù xuất hiện các triệu chứng khó chịu do trào ngược, nhưng khi nội soi không có tổn thương niêm mạc thực quản . Đây là thể lâm sàng thường gặp nhất của GERD và đáp ứng với điều trị ức chế acid.
- Viêm thực quản trào ngược: Các tổn thương trợt được phát hiện qua nội soi, có/không xuất hiện các triệu chứng GERD.
- Barrett thực quản (BE): Các tổn thương dị sản ruột dạng cột phát hiện trên nội soi và chẩn đoán xác định bằng mô bệnh học. BE đoạn ngắn khi tổn thương dưới 3cm, ít nguy cơ ác tính. BE đoạn dài khi tổn thương từ 3cm trở lên, là biến chứng nghiêm trọng của GERD.
- Trào ngược dạ dày ngoài thực quản có những triệu chứng xuất hiện ngoài thực quản của GERD bao gồm: Ho kéo dài, viêm thanh quản mạn, hen phế quản, mòn men răng, viêm hầu họng mạn, viêm xoang, xơ hóa phổi tiên phát, viêm tai giữa tái phát…
2.Phương pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Trong những năm gần đây, đã có nhiều đồng thuận, hướng dẫn lên quan đến GERD như Lyon 2018, ESNM/ANMS 2021 và mới đây nhất là ACG 2022. Trong các đồng thuận, sử dụng phương pháp nội soi và đo pH thực quản 24 giờ (là xét nghiệm dùng để đánh giá độ pH hay lượng acid trào ngược từ dạ dày lên thực quản trong vòng 24h) để chẩn đoán và theo dõi điều trị GERD.
Nguyên tắc điều trị GERD là sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc trung hòa acid là đầu tay, kết hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống cùng loại bỏ hoặc giảm bớt các yếu tố quy cơ.
Theo đó, trong chế độ ăn uống, sinh hoạt, bệnh nhân cần thực hiện:
- Giảm cân nếu có thừa cân hoặc béo phì.
- Không ăn quá no, tránh ăn tối quá muộn.
- Không sử dụng nhiều đồ uống có gas, chocolate, đồ ăn cay nóng, rượu bia, cafe.
- Nằm đầu cao khi ngủ.
Các thuốc sử dụng trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Sử dụng thuốc liệu trình điều trị hạ bậc với mục tiêu giảm triệu chứng, tăng chất lượng cuộc sống, ngăn ngừa tái phát và biến chứng.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Là lựa chọn hàng đầu khi điều trị GERD. PPI thường được dùng trước bữa ăn 30 - 60 phút. Thuốc nên dùng đúng thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ, không lạm dụng tự ý dùng.
Việc dùng thuốc kéo dài có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hoá, nguy cơ gãy xương, tăng nguy cơ biến chứng ở bệnh nhân xơ gan.
Ở bệnh nhân nhiễm vi khuẩn H.Pylory, có viêm teo dạ dày, dị sản ruột, cần cân nhắc điều trị diệt H.Pylori trước điều trị PPI kéo dài.
Cần sử dụng thuốc theo đúng liệu trình, kết hợp thay đổi chế độ ăn, lối sống.
- Thuốc ức chế thụ thể H2 của histamin (H2RA): Tùy trường hợp có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với PPI và thuốc trung hòa acid. Thuốc nên dùng trước khi ngủ nếu có trào ngược về đêm. Cần lưu ý về tác dụng tăng acid trở lại sau khi dừng H2RA.
- Thuốc trung hòa acid (antacid, alginate-antacid): Thường được dùng phối hợp với PPI làm giảm nhanh triệu chứng trào ngược. Thuốc cũng có thể dùng đơn độc với trường hợp GERD nhẹ.
- Thuốc hỗ trợ vận động (metoclopropramide, domperidone): Chỉ nên dùng ở một số trường hợp bệnh nhân đặc biệt, không khuyến cáo dùng rộng rãi do có ít bằng chứng chứng minh hiệu quả và có tác dụng phụ trên tim mạch.
- Thuốc tác dụng lên cơ thắt thực quản baclofen: Là một thuốc đối vận GABA có tác dụng ức chế sự giãn đột ngột cơ thắt thực quản dưới (LES), qua đó làm giảm trào ngược sau ăn. Đây là một thuốc trong khuynh hướng mới điều trị GERD hiện nay, thường chỉ định khi điều trị bằng PPI thất bại.
Thuốc có nhiều tác dụng phụ: Gây buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi.
3. Điểm mới trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Trong hướng dẫn ACG 2022, điểm mới nhất là tiêu chuẩn GERD trên nội soi được mở rộng cho viêm thực quản trào ngược độ B kèm triệu chứng trào ngược điển hình và đáp ứng với điều trị PPI.
Bệnh nhân có triệu chứng trào ngược ngoài thực quản kèm triệu chứng điển hình của GERD nên được điều trị thử bằng PPI từ 8-12 tuần. Khi điều trị thử PPI thất bại hoặc với các bệnh nhân chỉ có triệu chứng ngoài thực quản, bệnh nhân cần đo pH trở kháng thực quản 24 giờ để khẳng định.
Về điều trị GERD, các phương pháp chính vẫn là điều chỉnh chế độ ăn, lối sống và liệu pháp ức chế bài tiết acid và dùng PPI vẫn đóng vai trò nền tảng.
Đối với bệnh nhân đã có chẩn đoán xác định là GERD nhưng không đáp ứng với các liệu pháp điều trị, cần cân nhắc đến biện pháp phẫu thuật.
Theo suckhoedoisong.vn