Nghiêng đầu để giữ điện thoại, ngủ sai tư thế, ngủ kê gối quá cao, dành quá nhiều thời gian nhìn xuống màn hình điện thoại đều gây nên tình trạng đau cứng cổ.

Hầu như ai cũng có lúc bị tình trạng cứng cổ, phần lớn kèm theo đau và hạn chế cử động, bạn phải quay cả thân mình để có thể nhìn sang hai bên. Triệu chứng có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần, kết hợp đau đầu, đau vai. Có khi cơn đau lan xuống cánh tay, gây tê tay, giảm các chức năng vận động của bàn tay.

Cứng cổ không chỉ khó chịu mà còn là tình trạng bệnh lý cần được thăm khám. Một số nguyên nhân hay gặp như:

Căng cơ

Bất cứ hoạt động nào khiến cổ của bạn ở tư thế không thoải mái trong thời gian dài có thể khiến cơ vùng cổ bị mỏi và co thắt. Ví dụ nghiêng đầu để giữ điện thoại, ngủ sai tư thế, ngủ kê gối quá cao, mang vác vật nặng một bên vai hoặc cúi nhìn màn hình vi tính. Một nguyên nhân cũng trở nên phổ biến gần đây là việc dành quá nhiều thời gian nhìn xuống màn hình điện thoại.

Các bệnh lý cột sống cổ

Cột sống cổ là bộ khung, bao gồm rất nhiều các thành phần cấu thành: xương đốt sống, các khớp, hệ thống cơ, các rễ thần kinh. Tủy sống cũng chạy trong các đốt sống cổ. Khi một hoặc vài bộ phận của cột sống cổ bị thoái hóa theo thời gian hoặc bị tổn thương sẽ gây ra cứng cổ kèm theo đau. Nhiều trường hợp xuất hiện các vấn đề thần kinh khác.

Những bệnh lý ở đốt sống cổ thường gặp bao gồm: hẹp ống sống cổ, các bệnh lý đĩa đệm, nhiễm trùng.

Xử trí ban đầu với người bị đau cứng cổ

Biện pháp xử trí ban đầu đối với các trường hợp cứng cổ do căng cơ hoặc chấn thương phần mềm: đầu tiên bạn nên nghỉ ngơi 1-2 ngày để các tổn thương phục hồi, giảm bớt tình trạng cứng và co kéo cơ. Tuy nhiên nên giới hạn thời gian nghỉ, vì tình trạng không vận động kéo dài có thể làm cơ vùng cổ yếu đi, khiến việc nâng đỡ cổ và đầu trở nên khó khăn.

Khi bạn cảm thấy dễ chịu hơn, hãy nhẹ nhàng kéo giãn các cơ vùng cổ bằng các cử động cổ để phục hồi. Bạn có thể học các bài tập kéo giãn thích hợp với sự hướng dẫn của các nhà vật lý trị liệu hoặc các bác sĩ chuyên khoa.

Các thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) thường là lựa chọn hàng đầu trong điều trị cứng cổ và giảm đau, kết hợp với nhóm thuốc giãn cơ. Tuy nhiên, sử dụng các thuốc không kê theo đơn cũng có rủi ro, có thể gặp tác dụng phụ và tương tác thuốc/thức ăn. Vì vậy nếu sử dụng, bệnh nhân cần có sự tư vấn của bác sĩ.

Thông thường, một số người thích chườm ấm, số khác thích chườm lạnh lên vùng cổ. Hai phương pháp này có thể dùng luân phiên. Các túi chườm lạnh sẽ làm giảm quá trình viêm cục bọ, từ đó giảm cứng cổ. Chườm ấm vùng cổ làm gia tăng lưu thông máu, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lành của tổ thương vùng cổ.

Ngoài ra, bài tập aerobic nhẹ nào như đi bộ sẽ giúp ích trong việc giảm cứng cổ. Tuy đi bộ không trực tiếp ảnh hưởng đến vùng cổ, đi bộ giúp tăng lưu lượng oxy vận chuyển đến các mô xung quang cột sống, thúc đẩy quá trình hồi phục của cơ vùng cổ.

Trong phần lớn các trường hợp, cứng cổ do căng cơ đơn thuần sẽ được chữa khỏi trong vài ba ngày. Nhưng nếu cứng cổ không đỡ sau một tuần, hoặc kèm theo các triệu chứng phức tạp khác như tê bì tay, yếu tay, sốt... bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị chuyên sâu.

                                                                                                                                                                                                    Theo vnexpress