Bác sĩ Lê Thảo Nguyên (bác sĩ dinh dưỡng, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết, thận có chức năng chính là loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể qua bài tiết nước tiểu và cân bằng các khoáng chất như natri, kali, phospho trong quá trình lọc máu. Khi thận bị suy giảm chức năng, các quá trình này đều hoạt động kém hiệu quả hơn.

Đối với người đang bị suy giảm chức năng thận thì việc xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh rất quan trọng. Người bệnh cần ăn đủ chất dinh dưỡng (đường, đạm, béo, rau, trái cây), tăng cường chất xơ, tuy nhiên việc lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp để thận không bị tổn thương thêm là vô cùng quan trọng. Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp người bệnh có thể tự kiểm soát tình hình và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả.

Dưới đây là một số loại thực phẩm mà người bị suy giảm chức năng thận nên hạn chế sử dụng trong bữa ăn hằng ngày:

Hạn chế protein/đạm: Nên ăn dưới 150 g thịt/cá mỗi ngày. Nên ăn nguồn protein chất lượng cao (thịt trắng như ức gà, cá, các loại đậu, lòng trắng trứng…). Trung bình, một lòng trắng trứng chứa khoảng 11 g đạm.

Thực phẩm nào nên hạn chế khi bị suy giảm chức năng thận?- Ảnh 1.

Người bệnh nên hạn chế chấm nước tương, nước mắm và lượng đạm tiêu thụ trong bữa ăn hằng ngày. ẢNH: LÊ CẦM

Hạn chế kali, phospho như: Chuối, cam, nho, dưa lưới, dưa lê, dưa hấu, quả bơ, mơ, bưởi, trái cây khô và các loại hạt, sữa và các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua, rau lá xanh, măng tây…

Các thực phẩm ít nên ăn: Bông cải, việt quất, nho đỏ, tỏi, kiều mạch, bắp cải, ớt chuông, hành tây, hạt mắc-ca, dứa, nấm hương…

Nên chọn các ngũ cốc có lượng đạm thấp như khoai, bột sắn; ăn gạo, bột mì tối đa 200 g/ngày theo mức độ suy thận.

Hạn chế ăn mỡ động vật, lòng, nội tạng, da, xương/nước lèo, nước hầm xương… Hạn chế đồ chiên xào. Ăn dầu thực vật (dầu hướng dương, đậu nành, dầu mè, gấc, olive…).

Ăn thực phẩm tươi sống, không ăn thức ăn nhanh, các loại thực phẩm đóng hộp, mì gói, thịt nguội, chả lụa, chà bông, xúc xích, phô mai, các loại dưa muối, kim chi…

Thực phẩm nào nên hạn chế khi bị suy giảm chức năng thận?- Ảnh 2.

Người suy giảm chức năng thận nên hạn chế ăn mỡ động vật, lòng, nội tạng. ẢNH: LÊ CẦM

Lưu ý khi đọc nhãn thực phẩm

Cần hạn chế lượng muối tiêu thụ bằng cách chú ý nhãn thực phẩm, các chỉ số natri, sodium trên nhãn.

Ăn nhạt, không chấm muối khi ăn trái cây, hạn chế chấm nước tương, nước mắm. Thay thế muối bằng những gia vị khác, tạo vị đậm đà cho món ăn, ví dụ như rau thơm, tiêu, cà ri, dấm, hành, tỏi, gừng, hương thảo, nước cốt chanh…

Ngoài ra, để giúp giảm bớt tình trạng suy giảm chức năng thận, người bệnh cần chú ý các thay đổi trong lối sống hằng ngày như sau:

  • Luyện tập thể dục nhẹ nhàng ít nhất 30 phút, ít nhất 2 lần/tuần.
  • Ăn bữa tối cách giờ đi ngủ ít nhất 2 giờ, sau ăn ngồi nghỉ 30-45 phút.
  • Hạn chế rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, nước ngọt, nước có gas…

Cách cắt giảm lượng muối ăn

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5 g muối/người/ngày để bảo vệ sức khỏe. Hiện nay, người Việt Nam đang ăn khoảng 8,1 gram muối/ngày, chủ yếu lượng muối ăn vào từ gia vị dùng trong chế biến.

Do đó, để phòng ngừa suy thận, chúng ta nên giảm lượng muối trong mỗi bữa ăn bằng cách:

Hạn chế sử dụng quá nhiều muối, gia vị, bột canh, nước mắm khi sơ chế, tẩm ướp và chế biến món ăn.

Thay đổi món như hấp, luộc thay cho các món kho, xào, nướng cần tẩm ướp nhiều gia vị mặn.

Sử dụng các hương vị khác khi chế biến thực phẩm như hành, tỏi, gừng, tiêu, chanh... để làm tăng độ thơm ngon khi món ăn chế biến nhạt.

Giảm thiểu nước chấm, muối tiêu, muối ớt, muối tôm khi ăn hoặc pha loãng nước chấm để hạn chế lượng muối trong chế độ ăn uống.

Hạn chế dùng các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối: Dưa cà muối, xúc xích, giăm bông, giò chả, thịt xông khói,…

 

Theo Thanh niên