Khi được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn tính (CKD), có nghĩa là thận đã mất một số chức năng. Nếu thận không hoạt động bình thường, chất độc có thể tích tụ trong cơ thể và tác động tiêu cực đến hoạt động của hormone, đặc biệt là những chất điều chỉnh sức khỏe của xương, tình trạng vitamin D và sản xuất hồng cầu…, TS. Jeff Giullian, Giám đốc y tế của DaVita Kidney Care có trụ sở tại Denver (Hoa Kỳ) cho biết.

Bệnh thận mạn tính (CKD) ảnh hưởng đến rất nhiều người, thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi bệnh ở giai đoạn nặng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể. Hai yếu tố nguy cơ phổ biến nhất đối với bệnh thận là tăng huyết áp và đái tháo đường, chiếm tới 75% trường hợp mắc bệnh thận mạn tính.

Theo Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ, bệnh thận mạn có 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là nhẹ nhất và giai đoạn 5 là nghiêm trọng nhất. Giai đoạn 5 là khi một cá nhân có thể cần ghép thận hoặc bắt đầu chạy thận nhân tạo. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, bệnh thận mạn tính là nguyên nhân thứ mười gây tử vong cho người Mỹ.

1. Chế độ ăn kiêng có thể giúp điều trị bệnh thận như thế nào?

TS. Joseph Vassalotti, Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ (Thành phố New York) cho biết: Theo một chế độ ăn uống lành mạnh thường có thể ngăn ngừa sự phát triển của bệnh thận mạn tính ở những người có nguy cơ (ví dụ, những người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch) và làm chậm quá trình mất chức năng thận ở những người đã mắc bệnh thận mạn tính.

Thực phẩm nào tốt nhất cho người mắc bệnh thận?- Ảnh 1.

Ăn uống lành mạnh thường có thể ngăn ngừa sự phát triển của bệnh thận mạn tính.

Các chế độ ăn kiêng như chế độ ăn Địa Trung Hải, chế độ ăn kiêng để ngăn chặn tăng huyết áp DASH hoặc chế độ ăn dựa trên thực vật có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính hoặc trì hoãn sự tiến triển của bệnh. Những chế độ ăn kiêng này giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng đường huyết, huyết áp, lipid máu như cholesterol… có thể dẫn đến căng thẳng thêm cho chức năng thận.

Thực phẩm có trong chế độ ăn kiêng này là:

- Protein động vật hoặc thực vật (bao gồm một phần nhỏ thịt gà, cá, trứng, đậu phụ và một số loại đậu, hoặc pho mát có hàm lượng phốt pho thấp…

- Carbohydrate phức tạp (như trái cây, rau và ngũ cốc) giàu chất xơ và chất chống oxy hóa.

- Chất béo lành mạnh (như dầu, hạt hoặc quả hạch)…

Tuy nhiên, ở một số người mắc bệnh thận mạn tính cũng có thể cần tránh chế độ ăn quá giàu protein, thực phẩm chế biến sẵn và hạn chế ăn natri, phốt pho hoặc kali, vì những chất dinh dưỡng này có thể gây thêm căng thẳng cho thận.

Có thể nói chế độ ăn uống là một phần thiết yếu để giữ cho thận khỏe mạnh, nhưng không có chế độ ăn kiêng nào phù hợp cho tất cả mọi người. Do đó, điều quan trọng người bệnh cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa thận (bác sĩ chuyên điều trị bệnh thận mạn), hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn các kế hoạch ăn kiêng cá nhân hóa, có thể được sử dụng để quản lý bệnh thận mạn và phù hợp với sở thích, ngân sách và nhu cầu văn hóa của người bệnh.

Theo TS. Giullian, có thể ngăn ngừa bệnh thận mạn thông qua việc phát hiện sớm, kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp, tập thể dục thường xuyên, ăn một chế độ ăn thân thiện với thận và duy trì lối sống lành mạnh. 

2. Thực phẩm hàng đầu tốt cho sức khỏe thận

- Nho đỏ: Loại trái cây này giàu flavonoid và resveratrol (một hợp chất có nguồn gốc thực vật được tìm thấy chủ yếu trong các loại trái cây có màu đỏ), có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa. Sự mất đi các nephron (đơn vị hoạt động của thận) xảy ra khi lão hóa, vì vậy những thực phẩm có thể làm chậm quá trình lão hóa sẽ có lợi cho thận.

Thực phẩm nào tốt nhất cho người mắc bệnh thận?- Ảnh 2.

Các loại quả mọng như quả việt quất, dâu tây, quả mâm xôi giúp bảo vệ thận khỏi stress oxy hóa và viêm nhiễm.

- Quả mọng: Các loại quả mọng như quả việt quất, dâu tây, quả mâm xôi và rất giàu chất chống oxy hóa có nguồn gốc thực vật, bao gồm cả anthocyanin. Những chất chống oxy hóa này giúp bảo vệ thận khỏi stress oxy hóa và viêm nhiễm.

- Cá hồi: Các loại cá có dầu, như cá hồi, chứa axit béo omega -3 có thể giúp giảm viêm. Giảm viêm trong bênh thận mạn tính rất quan trọng vì nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của thận và thậm chí có thể làm trầm trọng thêm sự tiến triển của bệnh thận mạn tính.

Cá có dầu cũng là nguồn cung cấp vitamin D cho cơ thể. Những người bị bệnh thận mạn có nguy cơ thiếu vitamin D cao hơn, nên việc bổ sung những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng này là rất quan trọng.

- Đậu hũ: Đậu phụ là một loại protein có nguồn gốc thực vật cung cấp tất cả các axit amin thiết yếu (rất quan trọng vì cơ thể không thể tự sản xuất các axit amin thiết yếu này), ít phốt pho và kali, đồng thời giàu omega-3 và khoáng chất như magiê. Do đây là nguồn cung cấp protein và chất xơ dồi dào nên sẽ là một lựa chọn bổ dưỡng cho những người đang cố gắng bảo vệ thận nhưng cũng muốn duy trì mức protein ở mức tốt.

- Rau lá xanh: Cải xoăn và bắp cải xanh là những loại rau lá xanh cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa tuyệt vời. Chúng cũng có hàm lượng kali tương đối thấp, khiến chúng phù hợp với những người mắc bệnh thận, những người cần quản lý lượng kali nạp vào cơ thể.

- Quả bơ: Sức khỏe tim mạch rất quan trọng đối với những người mắc bệnh thận mạn tính và quả bơ chứa nhiều chất béo có lợi cho tim. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, sức khỏe của tim có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của thận, vì khi thận không hoạt động bình thường, tim cần phải làm việc nhiều hơn để di chuyển máu đi khắp cơ thể. Sức khỏe tim kém cũng là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với bệnh thận mạn tính.

- Lòng trắng trứng: Theo TS. Giullian, lòng trắng trứng cung cấp protein hoàn chỉnh với ít phốt pho hơn các nguồn protein khác như thịt hoặc thậm chí là lòng đỏ trứng. Tỷ lệ phốt pho với protein trong toàn bộ quả trứng là 13,4mg phốt pho trên mỗi gam protein, nhưng lòng trắng trứng chỉ chứa 1,4mg phốt pho trên mỗi gam protein.

- Táo: Táo có nhiều chất xơ và hợp chất chống viêm, có thể ăn theo nhiều cách. Một chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa rất hữu ích trong việc giảm quá trình viêm nhiễm mà những người mắc bệnh thận mạn tính phải trải qua. Nên ăn cả vỏ để có được nhiều chất chống oxy hóa nhất.

-  Đậu lăng: Đậu lăng là một loại protein có nguồn gốc thực vật và là nguồn chất xơ tuyệt vời. Ăn nhiều protein từ thực phẩm thực vật, thay vì động vật có thể giúp giảm tình trạng nhiễm axit (tích tụ axit trong máu) ở bệnh thận và cuối cùng làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Mặc dù chế độ ăn uống lành mạnh là một phần trong kế hoạch quản lý bệnh thận mạn, nhưng việc ngăn chặn sự tiến triển hoặc chỉ hỗ trợ điều trị ở tất cả các giai đoạn của bệnh thường là chưa đủ, đặc biệt nếu bạn bị bệnh thận mạn từ trung bình đến nặng.

Ở các giai đoạn sau của bệnh thận mạn (giai đoạn 5, còn gọi là bệnh thận giai đoạn cuối), ngoài chế độ ăn uống hoặc dinh dưỡng cần các phương pháp điều trị toàn diện hơn, như lọc máu hoặc ghép thận…

Không có cách chữa trị bệnh thận mạn tính, nhưng có những phương pháp điều trị và lựa chọn lối sống để hỗ trợ sức khỏe thận. Người bệnh cần đi khám thường xuyên đánh giá chức năng thận, lượng đường trong máu và huyết áp, đồng thời xem xét các lựa chọn quản lý phù hợp, bao gồm cả chế độ ăn uống.

Theo suckhoedoisong.vn