1. Loãng xương là gì?

Loãng xương là tình trạng mất xương toàn thân, tổn thương vi cấu trúc của mô xương và tăng độ giòn của xương, khiến xương dễ bị gãy. Đây là căn bệnh phổ biến, thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi. Biến chứng dễ gãy xương, có thể khiến người bệnh bị tàn tật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Có nhiều yếu tố gây ra bệnh loãng xương, bao gồm: Tuổi tác, giới tính, di truyền, phụ nữ sau mãn kinh, suy dinh dưỡng, hấp thụ không đủ canxi và vitamin D, thiếu vận động, thiếu cân, hút thuốc và lạm dụng rượu… 

Trong đó, ba yếu tố chính có tác động đặc biệt đáng kể đến sức khỏe của xương. Thứ nhất là do chế độ ăn uống không cung cấp đủ canxi và vitamin D. Thứ hai là lượng estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh giảm, thứ ba là thiếu vận động thể chất.

Để ngăn ngừa loãng xương, cần tập thể dục để giúp xương chắc khỏe, giảm tình trạng mất xương, giảm nguy cơ loãng xương, gãy xương và cải thiện chất lượng cuộc sống. Ăn một chế độ ăn uống hợp lý và cân bằng, bổ sung canxi thích hợp (như sữa, các sản phẩm từ đậu nành...) và ăn ít muối.

Thuốc điều trị loãng xương- Ảnh 1.
 

Loãng xương dẫn đến nguy cơ tử vong cao do gãy xương và gãy xương nhiều lần.

Trong số các loại thuốc điều trị loãng xương, ngoại trừ một số loại thuốc bổ sung như canxi là thuốc không kê đơn (OTC), tức là bệnh nhân không cần đơn của bác sĩ và có thể mua ở hiệu thuốc tùy theo tình trạng bệnh, các loại thuốc khác phải do bác sĩ chỉ định và căn cứ vào tình trạng bệnh nhân mà chọn thuốc.

2. Thuốc điều trị loãng xương

Mặc dù canxi là thành phần chính của xương nhưng bệnh loãng xương xảy ra chủ yếu do sự cân bằng trong quá trình trao đổi chất của xương bị phá vỡ, tức là tốc độ mất xương lớn hơn tốc độ hình thành xương. Vì vậy, chỉ bổ sung canxi cho bệnh nhân loãng xương không thể làm giảm nguy cơ gãy xương. Ngoài việc bổ sung canxi, người bệnh cần dùng thêm thuốc chống loãng xương, vitamin D để phòng ngừa gãy xương.

Thuốc chống loãng xương được lựa chọn và sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa loãng xương. Hiện nay, thuốc điều trị loãng xương trên lâm sàng chủ yếu được chia thành: Thuốc thúc đẩy quá trình hình thành xương, thuốc ức chế quá trình tiêu xương và các thuốc bổ sung nếu chế độ ăn không đủ.

2.1. Thuốc ức chế tiêu xương

Bisphosphonat

Tác dụng: Bisphosphonat là loại thuốc được khuyên dùng rộng rãi nhất để điều trị loãng xương. Thuốc không chỉ có thể làm tăng mật độ xương một cách hiệu quả mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của các tế bào hủy xương, liên kết có chọn lọc với các vị trí luân chuyển xương cao và giảm sự phá hủy xương, từ đó cải thiện chất lượng xương và giảm nguy cơ gãy xương. 

Các thuốc bisphosphonate thường được sử dụng là: Iban dronate, alendronate và zoledronate.

Tác dụng phụ: Bao gồm sốt, nhức đầu, ợ chua và suy giảm chức năng thận. Tác dụng phụ nghiêm trọng là hoại tử xương hàm, gãy xương đùi… Nguy cơ xảy ra những triệu chứng này sẽ tăng lên khi dùng thuốc kéo dài trên 5 năm.

Chống chỉ định: Không dùng thuốc cho phụ nữ mang thai hoặc đang thời kỳ cho con bú; người dưới 18 tuổi; người suy thận nặng. Không dùng bisphosphonat dạng uống cho người rối loạn thực quản, co thắt tâm vị; người không có khả năng ngồi hoặc đứng thẳng trong 30 phút sau khi uống thuốc.

Kháng thể đơn dòng denosumab

Tác dụng: Thuốc ức chế RANK/RANKL dẫn đến ức chế chọn lọc quá trình hình thành tế bào hủy xương, do đó giúp tăng thêm khối lượng xương, cải thiện sức bền của xương và làm cho xương chắc khỏe hơn. Thuốc được chỉ định cho phụ nữ sau mãn kinh bị loãng xương và có nguy cơ gãy xương.

Tác dụng phụ: Ở những bệnh nhân bị loãng xương sau mãn kinh, các tác dụng phụ phổ biến là: Đau lưng, đau ở chi, tăng cholesterol máu, đau cơ xương khớp và viêm bàng quang. Ở bệnh nhân nam bị loãng xương là: Đau lưng, đau khớp và viêm mũi họng.

Calcitonin

Tác dụng: Calcitonin là một loại hormone điều hòa canxi. Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng đặc điểm nổi bật của calcitonin là có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng đau xương, chủ yếu bằng cách ức chế quá trình tiêu xương và tăng cường xương.

Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ thường gặp khi điều trị bằng thuốc calcitonin là buồn nôn, chóng mặt. Các phản ứng phụ này tùy thuộc liều dùng và khả năng xảy ra cao hơn khi tiêm tĩnh mạch.

Chống chỉ định: Những người quá mẫn với calcitonin. Những người có tiền sử dị ứng với protein, phụ nữ trong thời kỳ cho con bú (nếu cần dùng thuốc phải ngừng cho con bú), người mang thai nên hết sức thận trọng khi dùng calcitonin.

Thuốc hormone

Tác dụng: Thuốc estrogen được sử dụng ở bệnh nhân nữ để ngăn ngừa mất xương bằng cách ức chế quá trình luân chuyển xương. Dựa trên đánh giá toàn diện về lợi ích và nguy cơ, liệu pháp thay thế hormone phù hợp với phụ nữ có các triệu chứng mãn kinh (bốc hỏa, đổ mồ hôi…) và/hoặc loãng xương và/hoặc có các yếu tố nguy cơ loãng xương. Các chế phẩm phổ biến bao gồm estrogen đơn độc, progestin đơn thuần và chế phẩm kết hợp estrogen - progestin.

Tác dụng phụ: Tác dụng phụ thường gặp là làm cơ thể nóng bừng, tăng nguy cơ huyết khối.

Phác đồ, liều lượng, lựa chọn chế phẩm và thời gian điều trị bằng liệu pháp hormone nên được cá nhân hóa theo tình trạng của bệnh nhân và nên sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả, thời gian dùng thuốc không quá 4 năm.

Thuốc điều trị loãng xương- Ảnh 2.

Việc dùng thuốc phải do bác sĩ chẩn đoán và chỉ định căn cứ vào tình trạng của bệnh nhân.

2.2 Thuốc thúc đẩy quá trình tạo xương

Hormone tuyến cận giáp

Tác dụng: Hormone tuyến cận giáp hiện là thuốc phổ biến giúp thúc đẩy quá trình hình thành xương. Việc sử dụng thuốc ở liều thấp có thể kích thích hoạt động của nguyên bào xương, thúc đẩy quá trình hình thành xương, tăng mật độ xương, cải thiện chất lượng xương và giảm nguy cơ gãy xương đốt sống và các xương khác.

Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ bao gồm buồn nôn, nhức đầu, đau khớp và những khó chịu nhỏ khác.

Chống chỉ định: Chống chỉ định sử dụng bao gồm bệnh Paget, trẻ em, khối u di căn xương và tiền sử bệnh ác tính về xương, tăng canxi máu, phụ nữ mang thai và cho con bú.

Thuốc có tác dụng kép strontium ranelat

Tác dụng: Strontium là một trong những nguyên tố vi lượng thiết yếu cho cơ thể con người và tham gia vào các chức năng sinh lý và tác dụng sinh hóa khác nhau của cơ thể con người. Strontium ranelate là một loại muối strontium tổng hợp, có thể tác động đồng thời lên các nguyên bào xương, có tác dụng kép là ức chế quá trình tiêu xương và thúc đẩy quá trình hình thành xương, giảm nguy cơ gãy xương.

Tác dụng phụ: Thuốc có ít tác dụng phụ chủ yếu là gây khó chịu ở đường tiêu hóa.

Chống chỉ định: Báo cho bác sĩ điều trị biết trong trường hợp đang mang thai hoặc đang trong thời gian cho con bú.

2.3 Các thuốc bổ sung nếu chế độ ăn uống không đủ

Canxi

Lượng canxi trong độ tuổi từ 18 đến 50 cần 1.000 mg mỗi ngày nhưng tăng lên 1.200 mg khi phụ nữ bước sang tuổi 50 và nam giới bước sang tuổi 70. Nếu cảm thấy khó có đủ canxi từ chế độ ăn uống, hãy cân nhắc việc dùng thuốc bổ sung canxi. Tuy nhiên, quá nhiều canxi có thể dẫn đến sỏi thận. Tổng lượng canxi từ các chất bổ sung và chế độ ăn uống kết hợp, không nên quá 2.000 miligam mỗi ngày đối với những người trên 50 tuổi.

Bệnh nhân bị tăng canxi máu nên kiểm tra lượng canxi trong máu trước khi điều trị dựa trên tình trạng cá nhân; những người bị sỏi thận nên bổ sung canxi một cách thận trọng và nên xem xét canxi cacbonat, canxi citrate...

Vitamin D

Uống vitamin D đồng thời bổ sung canxi, có thể thúc đẩy quá trình hấp thu canxi ở ruột, tăng sức mạnh cơ bắp và ngăn ngừa té ngã ở bệnh nhân loãng xương.

Vitamin D có thể nhận được từ ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, nguồn vitamin D có trong chế độ ăn uống bao gồm dầu gan cá tuyết hoặc cá hồi, các loại sữa và ngũ cốc. Khả năng hấp thụ và tổng hợp vitamin D giảm dần theo tuổi tác. Liều vitamin D mỗi ngày là 600 IU, tăng lên 800 IU sau 70 tuổi.

3. Những lưu ý khi dùng thuốc loãng xương

Quá trình điều trị bằng thuốc chống loãng xương nên được cá nhân hóa và tất cả các phương pháp điều trị nên được tiếp tục trong ít nhất 1 năm. Sau thời gian điều trị 3 đến 5 năm đầu tiên, cần đánh giá đầy đủ nguy cơ gãy xương do loãng xương của bệnh nhân. Trong quá trình điều trị bằng thuốc loãng xương cần lưu ý những điểm sau:

  • Để đạt được hiệu quả điều trị lâu dài, không thể vội vàng. Quá trình điều trị một số loại thuốc thường kéo dài vài tháng, thậm chí nhiều năm và người bệnh phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Nắm vững đường dùng thuốc, thời gian dùng thuốc và kỹ năng dùng thuốc đúng, ví dụ như alendronate nên uống khi bụng đói vào buổi sáng, sau khi uống thuốc không được nằm.
  • Đối với bệnh nhân cao tuổi, việc tuân thủ dùng thuốc thường kém hơn so với bệnh nhân trẻ tuổi. Vì vậy, bệnh nhân cao tuổi nên ghi lại việc sử dụng thuốc của mình vào sổ, bao gồm tên thương mại, tên gốc, cách dùng thuốc, ngày bắt đầu dùng thuốc…
  • Khi sử dụng đồng thời các loại thuốc khác cần chú ý đến tương tác thuốc, trước khi dùng thuốc nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn chi tiết về thuốc nhằm đảm bảo an toàn dùng thuốc.

Theo suckhoedoisong.vn